Friday, May 23, 2008

Những Ngày Mắc Cạn


Sau khi cởi hết những áo quần vá víu chùm đụp, chỉ còn cái quần xà lỏn che phần hạ bộ, tôi nấn ná xin được hút một bi thuốc lào.
“Lắm chuyện.”
Viên sĩ quan an ninh cau mặt nói, nhưng anh ta cũng không từ chối. Anh bảo vệ binh cho mượn điếu cày, và cho tôi bi thuốc. Tất cả những động tác nạp thuốc, châm lửa, rít khói, ém khói, tôi làm rất chậm. Cố ý kéo dài thời gian hít thở không khí bên ngoài.
“Khoái chứ?” Viên sĩ quan hỏi.
“Khoái.” Tôi nói trong cơn tê rần cơ thể.
“Tiên Lãng chính hiệu đấy.”
“Hèn gì say ngất. Có được mang vào trong ấy không?”
“Không. Quy định là thế. Sáng nay, anh đã nghe rõ lệnh phạt chứ?”
“Nghe rõ.”
Anh ta an ủi: “Thế đấy. Ráng chịu khó nằm trong ấy một thời gian. Đừng làm bậy, có hại sức khoẻ.”
Nằm trong ấy, có hại sức khoẻ là điều hiển nhiên. Nhưng làm bậy là làm gì? Tôi đưa mắt ngó anh ta, không hiểu.
Viên sĩ quan giải thích: “Trước kia, các anh thường xem hình đàn bà ở lổ, chơi bời quen thói. Không có đàn bà, lại thủ dâm. Hại lắm. Đừng nhé.” Khi nói điều này, anh ta hạ thấp giọng, ra vẻ thật tình khuyên bảo.
Đây không phải là lúc để cải chính về vấn đề chơi bời quen thói, và thủ dâm. Từ lúc còn trên ghế nhà trường, người ta đã gieo vào đầu anh rằng “quân ngụy” là một tập hợp điển hình tất cả những bỉ ổi xấu xa nhất trên cõi đời này. Cải chính cũng vô ích. Tôi chỉ lắc đầu.
“Có đàn bà cũng không còn sức mà làm. Nói chi đến chuyện thủ dâm.”
“Nhắc chừng thế thôi. Bây giờ vào nhé!”
Viên sĩ quan dẫn tôi đến phòng kỷ luật.
Triền núi nằm nghiêng, người ta vạt bớt một mảng thành vách núi thẳng đứng. Từ chân vách, lại khoét năm cái lỗ theo chiều ngang mặt đất, sâu vào khoảng hai thước. Bề cao không đủ để một người đứng thẳng lưng. Cái lỗ méo mó, lồi lõm tùy theo đá núi. Gọi là cái lỗ hay cái hang, cũng như nhau thôi. Nhưng người ta đặt tên theo công dụng của nó: phòng kỷ luật. Đã gọi là phòng kỷ luật, ai chui vào trong ấy, nhất định không thể nào cảm thấy thoải mái được. Có năm phòng. Hai phòng đã có người, đó là hai người bạn cùng chuyến đi với tôi. Tôi chiếm một phòng nữa, là ba. Vật dụng được mang theo: một gon Guigoz nước uống, một ống bương dùng chứa nước tiểu, đôi khi chứa cả phân.
Vừa chui vào, tôi nghe mùi gì rất lạ.
“Anh bị cùm hai chân trong mười lăm ngày, hơi khó chịu một chút. Sau được giảm bớt, còn cùm một chân.”
Cùm hai chân mà anh ta nói chỉ hơi khó chịu một chút? Hình phạt thế nào mới thật sự khó chịu? Anh ta đã đơn giản hoá tôi thành một con vật trong chuồng, không nghĩ rằng tôi còn có tinh thần của một con người. Nhiều khi tinh thần là yếu tố chính làm ra sự tử vong. Nhưng trong hoàn cảnh này, lên tiếng hỏi tới hỏi lui, chẳng những đã không lợi gì, còn gây thêm ác cảm.
Tôi đặt cườm chân vào giữa hai cái khoen sắt hình lưỡi liềm. Anh ta khép lại. Hai cái khoen ráp thành vòng tròn, ôm gọn cườm chân.
“Xong nhé! Có gì thì kêu lớn, nhưng tốt hơn không nên làm ồn. Nằm nghỉ ngơi nhé!”
Viên sĩ quan khép cánh cửa liếp đan bằng nứa. Tiếng khoá khua lách cách bên ngoài.
Tôi nghe tiếng dặn vệ binh: “Hãy cẩn thận. Không được tự động nói chuyện với thằng trong ấy.”
Nhanh thật! Mới vừa gọi tôi bằng anh một cách tử tế, thoáng chốc đã gọi bằng thằng.
Phòng kỷ luật không tối hẳn. Ánh sáng ban ngày hắt qua cửa liếp. Mới vào, tối om om. Dần dần quen mắt, thấy được mờ mờ. Khi mọi vấn đề đã không còn có thể thay đổi, phải hết sức bình tâm để đón nhận hoàn cảnh hiện tại. Suy tư, buồn rầu, oán hận chỉ làm tinh thần thêm đau khổ, thân xác sẽ không chịu nổi với tình huống khắc nghiệt.
Tôi bắt đầu quan sát, làm quen với chỗ ở mới. Trên nóc phòng có những tảng đá lớn nhô ra, không có gì chống đỡ. Nếu chẳng may, đất đá sụp lở, chưa kịp bắt chước Kim Thánh Thán mà kêu lên: “Âu! Cũng là định mệnh.” thì tôi đã bị chôn sống trong cái hang này rồi. Nghĩ vớ vẩn thôi, chứ không lẽ đời tôi đen đến thế? Nằm xuống thử, dưới lưng lởm chởm cấn cái. Khốn nạn! Những anh tù khi được lệnh công tác, chỉ cốt làm cho xong việc, không chịu khó cạy bớt những viên đá nhọn. Họ quên nhìn xa hơn trong tương lai, sẽ có những người bạn của mình thọ nạn vào đây. Để đỡ cấn lưng, người ta trải một lớp rơm làm nệm lót. Đã nhiều đợt người vào ra, nằm mãi làm lớp rơm xẹp lép. Ẩm mốc, mồ hôi, và nước tiểu. Tất cả hoà quyện thành một thứ mùi khó tả. Nhưng chỉ một lúc sau, không còn nghe mùi gì nữa. Khứu giác tôi đã nhanh chóng thích nghi với bầu không khí ẩm thấp này.
Mỗi phòng kỷ luật có một chiếc cùm. Mỗi chiếc cùm có hai cái khoen bằng sắt dẹp, vừa đủ để tra vào cườm chân. Tôi đã nghe những bậc đàn anh từng trải qua phòng kỷ luật, nói về chiếc cùm này rồi. Bây giờ mới thấy được tai hại của nó. Đáng lẽ phải gò mài cho nhẵn cái khoen sắt, nhưng mấy anh tù thợ rèn lười biếng và tắc trách, để cái khoen còn sần sùi góc cạnh, dễ làm trầy lở cườm chân. Cứ tưởng tượng cườm chân bị lở loét, thường xuyên va chạm với cái khoen sắt thì đau đớn tới cỡ nào? Kinh nghiệm của người đi trước dạy, tuột cái quần xà lỏn xuống chêm vào vòng trong cái khoen, giữ cho cườm chân được êm ái, đừng để bị trầy thành ghẻ. Tôi áp dụng ngay kinh nghiệm này, bảo vệ cườm chân trước tiên. Cũng may, người ta còn cho mặc quần. Nếu bắt ở truồng, lấy vải đâu mà chêm cái khoen sắt.
Chiếc cùm có thể đóng mở bởi một thanh sắt dài thông ra ngoài phòng kỷ luật. Cái khoá cũng ở ngoài. Thanh sắt được gắn thêm cái chốt bằng gỗ, trông như chiếc thập giá nằm ngang. Đêm đêm, vệ binh tuần tiểu canh gác bên ngoài, muốn kiểm soát tù nhân, hắn chỉ cần đạp mạnh lên cái chốt ngang làm xoay thanh sắt. Và cái khoen bên trong sẽ vặn nghiến vào cườm chân. Tù nhân la lên: “Ối! Trời ơi!” Thế là hắn biết có người còn nằm trong đó. Lại cũng kinh nghiệm sau nhiều lần bị đau của đàn anh, dạy rằng giữa khuya thanh vắng, nghe tiếng dép râu đi lẹt rẹt, phải lập tức ho lớn. Không muốn ho cũng phải ho. Mục đích báo cho hắn biết, ta vẫn còn đây. Thế nhưng, canh gác một mình trong bóng tối, hắn buồn ngủ, đôi khi hắn vẫn đạp cái chốt ngang để nghe tiếng kêu trời đau đớn. Một trò chơi làm cho hắn tỉnh ngủ.
Phải sửa soạn nơi ăn chốn ở cho thật tiện nghi. Tôi vói tay kéo những rơm thừa chung quanh, độn cao lên làm chỗ gối đầu. Nằm ngửa xuống thử, nghe cũng thoải mái. Lúc nằm ngửa, đầu quay vô phía trong, chân hướng ra ngoài. Như thế, khi ngồi mặt hướng ra cửa liếp. Đã vào đây rồi, không còn ai quấy rầy nữa. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không chừng, ở một nơi yên tịnh thế này, tôi có thể chiêm nghiệm được những triết lý sâu xa của nhà Phật. Tệ lắm cũng làm ra thơ. Nghĩ vớ vẩn cho quên bớt điều bi thảm, chứ thơ thẩn gì trong lúc khốn cùng đau khổ.
Tùy theo mức độ của sự trừng phạt mà bị cùm một, hoặc hai chân. Bị cùm một chân, có thể nằm ngửa, hoặc xoay trở nằm nghiêng qua phía cái chân không bị cùm. Cùm hai chân, nằm ngửa là kiểu nằm duy nhất. Đang bị cùm, muốn nằm ngồi tùy ý, nhưng tuyệt đối không thể đứng.
Ngoại trừ những lúc ngủ, thời gian còn lại, tôi thường chọn thế ngồi, chân duỗi thẳng. Nhưng cứ nằm ngồi hoài một chỗ, e bị tê liệt mất. Tôi tìm cách vận động, quơ hai cánh tay đủ kiểu, mục đích làm cho máu lưu thông. Có lúc, tôi đấm lia lịa vào không khí như võ sĩ boxer đang dợt bao cát. Hoặc nằm ngửa, hai bàn tay để sau ót, gắng sức ngồi lên, nằm xuống. Đây là kiểu tập làm tan mỡ cho những người bụng bự. Cái bụng ốm đói của tôi, từ lâu rồi, đâu còn mỡ mà tan? Nếu thế, cứ coi như động tác tập dưỡng sinh của các nhà Yoga vậy.
Chỉ cần một buổi ở trong phòng kỷ luật, tôi khám phá ra rằng tôi không phải là sinh vật duy nhất trong cái hang này. Còn có những con gián cánh nâu nữa. Khi tôi nằm yên, gián từ đâu trong kẽ đá bò ra leo lên người, nhiều khi nó còn cả gan gặm nhấm thử đầu ngón tay tôi. Tao chưa trở thành món ăn của mày đâu. Hãy đi chỗ khác chơi! Tôi chụp, và ném mạnh vào cửa liếp. Con gián bị ném, nếu không chết cũng bị chấn thương trầm trọng. Ngoài gián, tôi còn phải đương đầu với một đoàn quân bất trị khác. Lớp rơm ẩm lâu ngày sinh ra mạt. Ấy là loài bọ nhỏ li ti, nhỏ hơn rận chó, thưòng xuất hiện ở gà. Với ánh sáng mờ mờ trong phòng kỷ luật, không thể nhìn thấy con mạt. Nhưng suốt ngày đêm, nó cứ bò nhồn nhột trên da làm ngứa ngáy khó chịu. Gãi sẽ trầy thành ghẻ. Dùng bàn tay chà xát chỗ này, lại nghe ngứa chỗ kia. Nó tấn công vào những vùng da non. Chỉ vài ngày sau, nách và háng sần lên như bị nổi sảy. Muốn tiêu diệt đoàn quân mạt, phải dùng chiến thuật hoả công. Trong hoàn cảnh khốn nạn hiện thời, tôi đành chịu thua.
Mỗi ngày, sáng trưa chiều. Từ ngoài cổng, vọng vào ba tiếng kẻng, rồi tiếp theo một chuổi âm thanh dài và nhỏ dần. Người ta lấy một mảnh gang vỡ của quả bom, treo lên làm kẻng. Dùng chiếc dùi sắt đánh mạnh, phát ra âm thanh rổn rảng chát tai. Không như tiếng chuông chùa ngân nga âm u lắng đọng. Tiếng kẻng làm âm thanh vỡ vụn như những mảnh kim khí nhọn sắc vô hình đâm vào tim nhoi nhói, va vào đầu làm xốn xang nhức óc. Nghe nói, người ta lấy mảnh bom vỡ làm kẻng như một cố ý nhắc nhớ hận thù về cuộc không tập tàn khốc của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh vừa qua.
Sau tiếng kẻng buổi sáng, viên sĩ quan an ninh mở khoá cùm, giao tôi cho một vệ binh dẫn đi làm công việc vệ sinh cá nhân. Đầu tiên, hắn dẫn tôi tới nhà cầu, tiêu tiểu và đổ ống bương chứa nước tiểu trong một ngày đêm vừa qua ở phòng kỷ luật.
Nhà cầu làm bằng hai thanh gỗ bắc song song. Che chắn chung quanh bằng liếp nứa. Bên trong ngăn ra từng phần để nhiều người có thể đi cầu cùng một lúc. Phía trên cũng lợp mái nứa. Phía dưới đào một cái rảnh lộ thiên, dùng chứa phân. Hàng tuần, có tù nhân quét dọn, và xúc phân đem ủ để bón rau sau này.
Có hai dãy nhà cầu. Dãy dành cho sĩ quan và vệ binh được thiết kế lịch sự hơn bằng những tấm liếp che khuất người ngồi trong ấy. Dãy cho tù được phái lên Đoàn làm tạp dịch, liếp nứa chỉ che lưng lững tới cổ. Người bên ngoài, có thể nhìn thấy cái đầu của người đang đi cầu. Ngược lại, ngồi trong cầu cũng thấy được mọi vật bên ngoài. Cái ghê tởm nhất là nhìn xuống phía dưới rảnh phân. Dòi bọ lúc nhúc. Ruồi nhặng bay vo vo, bu cả lên người. Nhiều khi còn có những con chim lông đen đáp xuống ăn dòi. Vừa ăn, chúng vừa kêu chíp chíp như tiếng gà con. Từ hai dãy cầu tiêu, bốc ra một mùi hôi kinh khiếp.
Khi tôi ra khỏi nhà cầu, vệ binh dẫn đi lấy nước nơi một cái giếng. Giếng đào ở đây cũng lạ. Miền cao, đồi núi chập chùng. Mùa mưa, nước từ trên đỉnh đổ xuống những nơi tiếp giáp núi đồi thành đường nườc chảy. Người ta đào giếng chận ngang đường nước ấy. Đất đá đem lên, chất cao chung quanh làm bờ giếng. Nhiều tảng đá to đến cả người ôm. Và miệng giếng cũng rộng như một cái ao, đường kính mấy sải tay. Muốn lấy nước, phải đứng chàng hãng trên hai thanh gỗ gác ngang miệng giếng để kéo nước lên. Nước giếng xanh, trong vắt.
Có lần, tôi đứng gần miệng giếng, hít thở, quơ tay, và và nhún nhảy cho máu lưu thông.
Vệ binh nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạnh.
“Anh làm cái trò gì thế?” Tiếng nói phát ra như tiếng rít giữa hai hàm răng.
Tôi nói: “Rũ liệt cả người. Vận động tay chân một chút.”
“Rởm! Lấy nước rồi vào ngay!”
“Mình mẩy hôi quá. Tôi xin được tắm.”
“Không được. Quy định mỗi tuần chỉ tắm một lần.”
“Nhưng vừa ở trong cầu tiêu ra, người tôi hôi lắm.”
“Lảm nhảm mãi! Có chịu lấy nước, hay muốn vào cùm ngay?”
Hắn nách ngang cây súng AK, chỉa về hướng tôi như sắp sửa bắn tới nơi. Những tên hèn mọn gặp thời, thường có thái độ hống hách, dọa nạt người thất thế. So với viên sĩ quan an ninh cáo già thì tên vệ binh chỉ đáng hạng gà con. Tôi đoán, cái mặt non choẹt này chưa biết nếm mùi chiến trận là gì. Cứ tưởng có cây súng trong tay là có được hào quang của người chiến thắng. Viên sĩ quan an ninh mới đáng gờm. Anh ta không cần phải thị uy những lúc không cần thiết. Nói năng hoà nhã đường hoàng. Mặt không biểu lộ sắc thái thù hằn, nhưng thủ đoạn thì khỏi chê. Mấy ngày trước, tôi xin cho thay lớp rơm lót trong phòng kỷ luật. Anh ta nói, hãy thư thả, chờ trình với cấp trên rồi mới quyết định được. Chờ mãi, vẫn không thấy gì. Tôi biết, anh ta cố tình lờ đi để những con mạt hành tôi suốt ngày đêm cho bỏ ghét. Thế mới đáng sợ. Chứ tên vệ binh này chỉ là loại gà con háu đá. Nếu tao không ở vào hoàn cảnh sa cơ thất thế, tao bẻ cổ mày như chơi, con ạ! Tôi thầm nghĩ vậy.
Tôi lấy nước vào lon Guigoz xong, hắn dẫn trở lại phòng kỷ luật, và gọi viên sĩ quan an ninh tới đóng khoá cùm. Tôi đặt cườm chân vào khoen sắt hình lưỡi liềm. Viên sĩ quan chưa khép vội, hỏi tôi có cần gì không? Tôi cần nhiều thứ, nhưng biết khó được thoả mãn nên chỉ xin hút một bi thuốc lào.
“Ghiền đến thế cơ à?”
“Vâng. Trước kia ghiền thuốc lá. Đi cải tạo ghiền thuốc lào.”
Anh ta đưa tôi vào phòng làm việc, và tự tay châm lửa đóm cho tôi. Tôi cám ơn. Bao giờ anh ta cũng giấu kín sự nham hiểm phía sau những cử chỉ khéo léo nhẹ nhàng.
“Anh muốn viết thư về cho gia đình không?” Viên sĩ quan hỏi.
Tôi ngạc nhiên: “Bị kỷ luật cũng được gởi thư sao?”
“Tình cảm gia đình là thiêng liêng, cách mạng không hề chối bỏ. Viết thư nhé?”
Tôi tôi gật đầu, cám ơn lần nữa.
Anh ta đem cho tôi bì thư, giấy bút, và dặn: “Ngồi đây viết thoải mái. Viết xong, cho vào bì, dán kín lại. Một tiếng đồng hồ thôi nhé.” Nói xong, anh đi ra ngoài.
Tôi biết ngay đây là một trong những phương thức tìm hiểu, kiểm soát tư tưởng tù nhân. Dù anh ta bảo dán kín bì thư lại, nhưng rồi nó sẽ được mở ra, và tấm lòng người viết phơi trải qua những dòng chữ nhắn gửi gia đình. Nếu không có gì đáng quan tâm, cái thư sẽ đi vào sọt rác. Nếu lời lẽ mập mờ khó hiểu, hoặc thán oán chế độ thì hậu quả khốn nạn sẽ không lường nổi. Người ta sẵn sàng tiêu diệt bất cứ cái đầu bất mãn nào manh nha mầm móng chống đối chế độ.
Phần đầu thư, tôi hỏi thăm sức khoẻ vợ con, và nhắn nhủ hãy cố gắng trở thành con người mới để mau chóng hội nhập vào xã hội mới một cách tốt đẹp. Câu này như một thần chú quen miệng, như một thứ làm bùa hộ mệnh, như một thành ngữ sau cuộc đổi đời khi nền tảng xã hội bị bứng tận gốc rễ.
Phần hai, tôi viết tôi có cái may mắn được giáo dục bởi những cán bộ đại lượng và cảm thông. Lời lẽ tâng bốc, mục đích chỉ để vuốt ve viên sĩ quan an ninh. Anh ta mà có ác cảm thì đời tôi sẽ tiêu tùng bất cứ lúc nào. Tôi không nói gì về chuyện đang bị cùm, và đang đói rã ruột. Dưới chế độ này, có hai ngôn từ tuyệt đối cấm sử dụng: tù và đói. Tất cả đều phải nói khác đi. Tù khổ sai là học tập cải tạo. Tù nhân là cải tạo viên. Vì thế, đã xảy ra lắm chuyện khôi hài. Có anh đói quá, viết thư về nhà nói rằng đang bị bệnh bao tử, xin tiếp tế. Một thời gian lâu sau, anh nhận được gói quà, trong ấy toàn là thuốc chữa bệnh bao tử. Kèm theo gói quà, lá thư của vợ anh cho biết phải bán quần áo và đồ đạc trong nhà để lấy tiền chạy thuốc cho anh. Đọc thư, anh nhếch cười. Cái cười như mếu.
Cuối cùng, tôi viết một câu thiệu, bất cứ tù nhân nào cũng thuộc lòng rằng luôn luôn tích cực cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Thế là xong. Đọc lại, kiểm soát lần nữa. Cái thư thật hoàn hảo. Đúng lề lối văn phong của một cải tạo viên tốt. Tôi cho vào bì, dán cẩn thận. Trước khi trở lại phòng kỷ luật, tôi còn xin hút thêm bi thuốc nữa. Viên sĩ quan vui vẻ chấp thuận ngay.
Sáng hôm sau, anh ta mở khoá cùm cho tôi ra ngoài làm công việc vệ sinh cá nhân như thường lệ. Mắt anh nhìn tôi xoi mói, nhưng miệng lại cười mỉa.
“Ma mãnh vừa thôi.”
“Cán bộ nói gì, tôi không hiểu?” Hỏi thế, nhưng tôi nghĩ ngay đến bức thư hôm qua, anh ta không tìm thấy một sơ hở nào.
“Hừm... Anh khôn một. Chúng tôi khôn mười.”
Lời nói có vẻ tự thị kiêu căng, nhưng anh ta vẫn hỏi tôi có muốn được tắm hai lần một tuần không? Đây là một biệt lệ không ngờ. Bức thư đã có tác dụng với viên sĩ quan an ninh chăng? Tôi trả lời muốn, và không quên cảm ơn lòng tốt của anh ta. Anh dặn vệ binh dẫn tôi đi tắm sau khi ra khỏi cầu tiêu.
Nơi đây, từ trên xuống dưới, toàn một lũ đàn ông nên chẳng ai cần làm phòng tắm. Cũng chẳng có lu chứa nước. Cứ mặc nguyên quần xà lỏn. Kéo nước lên trong cái gàu đan bằng nứa. Nhích ra khỏi miệng giếng. Đứng giữa trời mà trút cả gàu nước lên đầu. Kỳ cọ xong, lại kéo gàu nước khác. Xà bông là loại sản phẩm quý hiếm, may ra cán bộ mới có được. Lúc tôi cởi quần để vắt cho ráo nước, vệ binh quay mặt hướng khác. Tôi nhìn xuống, cái bụng hóp lại, hai bên xương hông nhô ra như một xác khô. Thê thảm nhất là phần hạ bộ. Bèo nhèo ủ rủ. Lâu rồi, nó không cất đầu lên nổi. Tôi chợt nhớ bài thơ “Tâm Sự Với Buồi” làm trong thời gian chưa bị kỷ luật.
Ngày hai bữa, sắn khô nước muối
Thì làm sao khỏi đói, buồi ơi!
Đêm, ta trằn trọc ngậm ngùi
Đưa tay sờ thử, thấy buồi xuội lơ.
Ta vọc mãi, buồi trơ ra đó,
Cứ ỡm ờ, ủ rủ buồn thiu.
Thương ta đói khổ đủ điều,
Thương buồi tê liệt đã nhiều năm qua.
Nếu mai mốt được ra khỏi trại,
Ta trở về gặp lại hiền thê.
Vợ yêu chìu chuộng vuốt ve
Mà buồi vẫn gục. Chết ta! Chết buồi!
Đang nghĩ ngợi miên man, tôi giật mình vì tiếng hỏi của vệ binh.
“Anh đã mặc quần vào chưa?”
“Chưa.”
“Lâu thế? Định khoe của quý à?”
“Quần chưa khô.”
“Ối giời! Bao giờ mới khô được. Khẩn trương mặc vào ngay!” Hắn hét lên.
“Vâng. Vâng ... Xong rồi.”
Vệ binh quay mặt lại, trừng mắt: “Lề mề... Mất cả thể thống.”


Ban ngày, nhiệt độ trong phòng kỷ luật thấp hơn bên ngoài. Hơi lạnh toát ra từ trong đất đá. Ban đêm, gió lùa qua cửa liếp, càng lạnh hơn. Khi ngủ, tôi khoanh hai tay để giữ hơi ấm cho buồng ngực. Trời nắng ráo, còn dễ chịu đôi chút. Sau cơn mưa vài ngày là một cực hình ghê gớm. Nước thấm vào đất núi, ứa ra đọng thành giọt theo những vú đá trên nóc. Lâu lâu, rớt xuống một giọt. Khó mà ngủ với những giọt nước rớt lên người. Lớp rơm lót dưới lưng cũng ẩm hơn. Cả người cứ nhơm nhớp, khó chịu. Sức khoẻ tôi vốn đã tồi tệ, càng suy kiệt rất nhanh. Không chợp mắt được, lại phải ngồi một chỗ, tôi cảm thấy thời gian dài khủng khiếp. Làm sao quên bớt thời gian? Tôi nghĩ đến thiền. Xưa nay, tôi có biết hành thiền là gì đâu. Thấy những nhà sư ngồi lim dim đôi mắt, giờ đây, tôi cũng bắt chước làm thử. Nhưng những giọt nước lạnh và lũ mạt hoành hành ngứa ngáy, tôi không thể nào ngồi yên.
Những mẩu chuyện về các thiền sư có thuật rằng, Hám Sơn đại sư lánh đời lên núi ẩn tu. Ngài chỉ ăn cám và rêu cỏ qua ngày. Có lần, Ngài nhóm lửa, bắc nồi cám lên rồi vào động ngồi thiền, chờ cho cám chín. Không biết Ngài nhập định bao lâu mà khi xả thiền, ra thăm nồi cám thì thấy đã mốc meo đóng váng tự bao giờ. Thời gian trôi qua cả tuần, nhưng đối với Ngài chỉ trong thoáng chốc. Nếu làm được như Hám Sơn đại sư thì hãm thân trong phòng kỷ luật, đâu còn là một cực hình thống khổ?
Sách có nói, khi nhập tâm suy nghĩ điều gì, đôi lúc người ta quên cả thời gian và thân xác hiện hữu. Tôi ôn lại đời tôi, từ lúc tuổi thơ cho đến trưởng thành, dấn thân vào lính rồi bước chân vào tù. Thời gian đằng đẵng mấy chục năm mà nghĩ một lúc đã thấy mình ngồi trong phòng kỷ luật. Cái nghịch lý là khi ôn lại cuộc đời vừa qua, tôi muốn kéo dài thời gian thì nó lại quá ngắn. Còn khi muốn rút bớt thời gian hiện tại thì nó lại quá dài.
Tôi tìm phương cách khác. Thử làm kẻ vô tâm, không nghĩ gì cả. Nói điều này nghe dễ, nhưng khi muốn đình chỉ tư tưởng còn khó hơn chuyện lên trời. Nhà Phật đã chẳng từng bảo rằng A Lại Da Thức mạnh như dòng thác, nếu không phải bậc thượng thừa, không dễ gì làm ngưng được, đó sao? Bao nhiêu kẻ dày công tu hành mấy mươi năm, vẫn chưa đạt đến trình độ tâm không. Sơ cơ như tôi mà trong một sớm một chiều, muốn vượt ra ngoài giới hạn phàm phu là chuyện nằm mơ.
Tôi cứ loay hoay tìm cách đốt bớt thời gian, và quên đi những giọt nước lạnh rớt lên người. Tôi tưởng tượng mình là một Lạt Ma Tây Tạng, mình trần ngồi trên tuyết. Không biết các Ngài Lạt Ma thật cảm thấy thế nào? Chứ tôi thì thấy lạnh thêm, và tưởng như đang ngồi giữa cái rét giá mùa đông.
Sau khi thử làm Lạt Ma, tôi chợt khám phá một điều, tất cả đều do tâm sinh diệt mà ra. Đức Phật đã nói thế rồi, nhưng đó là kinh nghiệm của Ngài, tôi làm sao cảm nhận? Chẳn hạn, ngày còn nhỏ nghe má tôi kể, rằng nạn đói năm 1945 ngoài miền Bắc làm chết cả triệu người. Đói tới chết là một đau khổ ghê gớm, nhưng tôi đâu biết được cái đói hành hạ thân xác thế nào? Những năm đi tù trên đất Bắc, tôi mới cảm nhận được hết nỗi quay quắt khắc khoải của người đói. Đói trằn trọc không ngủ được. Đói rã ruột, nằm nghe bụng sôi ồn ột như có những cục không khí chạy qua chạy lại trong bao tử. Đói đến nỗi muốn trở thành trâu bò để có thể ăn cỏ lá ngoài đồng nội. Đói cả trong tâm thức, vừa chợp mắt đã chiêm bao thấy mình đang ăn đám cưới, hoặc ngất ngưỡng ngồi nhà hàng thưởng thức những mỹ vị cao lương. Có điều kỳ lạ là trong chiêm bao ăn không bao giờ thấy thoả mãn. Kinh nghiệm quý giá nào cũng đều phải trải qua thử thách của chính bản thân mình.
Giờ đây, tôi hiểu được rằng, ngoại cảnh tác động do tâm sinh diệt. Để chống lại cái lạnh, tôi tưởng tượng mình là thầy trò Đường tăng trên đường đi thỉnh kinh, gặp hoả diệm sơn. Người nào cũng tháo mồ hôi nhễ nhại vì khí hậu vô cùng oi bức. Nhìn trước mặt, thấy lửa đang cháy bừng bừng. Tôi đi sâu hơn vào câu chuyện. Thổ Địa hiện hình, cho biết núi lửa này do Tôn Hành Giả gây ra. Nghĩ mình bị vu oan, Tôn Hành Giả bèn nổi giận xách thiết bảng đòi đập chết Thổ Địa. Sợ quá, Thổ Địa quỳ xuống xin tha mạng, và giải thích. Rằng năm trăm năm về trước, có con khỉ đột tự xưng Tề Thiên Đại Thánh, loạn đả thiên cung, bị bắt nhốt vào lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân. Ông già này quyết dùng chân muội tam hoả đốt chết con khỉ đột ra tro. Nhưng Tề Thiên Đại Thánh thần thông quảng đại, đâu dễ bị hại dưới tay một ông già chuyên môn chế thuốc cao đơn hoàn tán. Tề Thiên giận sùi bọt mép, trợn mắt lửa tròng vàng, nhảy ra đá giò lái làm đổ cái lò bát quái. Một viên gạch nóng hổi rớt xuống trần gian thành hoả diệm sơn.
Nhập tâm làm thầy trò Đường tăng gặp núi lửa, tôi cảm thấy dễ chịu. Và câu chuyện thú vị làm tôi quên nghĩ đến thời gian. Cái phương pháp hoá giải nỗi đau khổ này, dễ áp dụng hơn ngồi thiền làm kẻ vô tâm. Có lúc tôi tưởng tượng mình là Tôn Hành Giả ngao du bốn cõi, tung hoành trời đất. Tưởng tượng mình là Trư Bát Giái phàm phu tục tử, ham ăn uống, thích dâm dục. Tưởng tượng mình là Sa Tăng thật thà chất phác đến ngu đần. Tôi không khoái Đường tăng nên không bao giờ tưởng tượng tôi là Đường tăng trắng trẻo mập ú, tính tình nhu nhược, chỉ biết tụng kinh.
Nhờ nghĩ chuyện Tây Du Ký, tôi quên bớt thời gian. Thấm thoát đã đến trưa. Thấm thoát đã đến chiều. Mỗi buổi tôi được phát hai khúc khoai mì dài cỡ gang tay. Tiêu chuẩn một ngày, bốn khúc. Quy định không cho tù kỷ luật ăn muối.
Sau mười lăm ngày, tôi được giảm mức độ trừng phạt xuống còn cùm một chân. Tôi thay đổi để mỗi cái chân luân phiên được nghỉ cùm một ngày. Bây giờ, tôi có thể nằm ngửa hoặc nằm nghiêng qua bên cái chân không bị cùm. Dù được thoải mái hơn đôi chút trong thế nằm, nhưng do ăn uống thiếu kém, thân xác tôi đã bắt đầu mất thăng bằng. Mỗi khi ra ngoài, tôi thấy mặt đất chao qua chao lại. Người cứ lơ lơ lửng lửng, bước đi không vững. Sắp tiêu đời nhà ma sao? Tôi nhớ lại người bạn tên Lê Thơm, một thời làm quận trưởng Chợ Lách, từng gây khốn đốn cho đối phương. Họ coi anh là kẻ ác ôn, gán biệt danh là Lãnh Chúa Chợ Lách. Khi ra Bắc cải tạo, anh vượt trại bất thành, bị bắt nhốt trong phòng kỷ luật. Thời hạn ba tháng, anh chỉ ở một tháng rưởi, rồi ra ngoài nằm vĩnh viễn dưới chân núi đồi miền thượng du. Tôi cũng rơi vào trường hợp như anh. Liệu tôi chịu được mấy ngày? Chưa có ai qua khỏi dấu mốc thời gian ba tháng trong hang động âm u này. Tôi sợ cái lưỡi hái của tử thần, mỗi ngày một nhích lại gần hơn. Sự chết ám ảnh hoài, không ngớt. Trong tuyệt vọng, không còn mong gì nơi con người, tôi hướng về thiêng liêng, và chú tâm cầu nguyện. Hư Vân hoà thượng từng nói: “Con người lúc bình thường trông thấy Tổ Đình, ngoảnh mặt đi luôn. Khi lâm nguy thì níu áo Bồ Tát.” Chẳng những tôi níu áo Bồ Tát mà còn kêu gọi luôn cả Chúa Giê Su giúp đỡ. Nếu Bồ Tát làm ngơ thì còn có Chúa.


Đoàn là Bộ Chỉ Huy tổng trại, quản lý chín trại cải tạo. Mỗi trại đều có phòng kỷ luật riêng. Đoàn cũng có phòng kỷ luật của Đoàn. Nơi đây chỉ nhốt những tù nhân đặc biệt do trại đưa lên. Hằng ngày, có một toán tù từ trại cải tạo được phái lên Đoàn làm tạp dịch. Đem phần ăn cho tôi cũng do một anh tù, vệ binh theo sau kiểm soát. Anh này có nhiệm vụ quét dọn cầu tiêu, và làm sạch sẽ khu vực nhà bếp của Bộ Chỉ Huy. Ngoài viên sĩ quan an ninh, tất cả đều bị cấm tuyệt đối không ai được nói chuyện với tôi, kể cả những vệ binh. Vệ binh không được nói chuyện với tôi, nhưng người ta không cấm cái quyền được la hét, và chửi bới tôi. Những tù nhân tạp dịch cũng không được lảng vảng gần khu vực nhà cầu khi có tôi ở đó. Một sự cách ly quá nghiêm nhặt. Tôi thấy cô độc lạ lùng, và thèm được tiếp xúc thân thiện với con người của trần gian. Tôi sợ sự lặng thinh. Đối diện với cô độc còn dễ sợ hơn giáp mặt kẻ thù.
Khi vệ binh kéo cánh cửa liếp, anh tù bước vào đưa phần ăn cho tôi. Nhiều lần, anh nhìn tôi, nheo nheo một con mắt như muốn nói điều gì đó. Tôi nghĩ không ra. Có lần, nhân lúc vệ binh lơ đễnh, anh vội vàng nói rất nhỏ: “Cầu tiêu”. Qua hai tiếng ngắn gọn này, tôi cũng chẳng biết được ý anh. Có lẽ anh muốn tôi chú ý đến cầu tiêu. Lúc ngồi trong cầu, tôi quan sát khắp nơi, trên mái nhà, quanh vách nứa. Tôi phát giác một chiếc lá được xếp nhỏ, ai đó giấu nhét vào khe vách. Nếu không chú ý tìm tòi, không thể nào thấy được. Mở ra coi, có hai hột muối. Mừng quá. Tôi muốn kêu lớn lên để tỏ nỗi mừng. Cám ơn người bạn tù đã khó khăn luồn lách qua mọi kiểm soát để giúp đỡ tôi. Việc này, nếu bị bắt quả tang, người bạn ấy không thể nào tránh khỏi bị làm kiểm điểm. Hai hột muối quý hơn vàng. Hai hột muối là liều thuốc hồi sinh trong cơn ngắc ngoải. Chưa nếm mà miệng đã tiết ra dịch vị rồi. Tinh thần tôi hưng phấn hơn. Ôi, tinh thần hưng phấn là điều kiện cần thiết để vực dậy cho một cơ thể bạc nhược biết dường nào! Tôi cẩn thận nhét hai hột muối vào lưng quần, đi ra. Sao tên vệ binh nhìn tôi kỹ thế? Hắn nghi ngờ điều gì chăng? Tôi mất tự nhiên, không dám ngó thẳng vào hắn. Tay chân tôi lính quýnh. Tôi làm bộ đánh rơi ống bương đựng nước tiểu, và cúi xuống nhặt lên để tay chân đỡ cảm thấy dư thừa. Tôi tự trách, sao lúc ở trong cầu tiêu, không nuốt hai hột muối cho rồi? Nhưng, tôi lại tự trấn an. Làm gì hắn biết được? Có tật nên giật mình, thế thôi. Khi lấy nước vào lon Guigoz, tôi run tay làm đổ.
Vệ binh miệt thị:”Chả nên trò trống gì. Tay ấy chỉ bốc cứt mà ăn.”
Sau câu mắng nhiếc, tôi thấy vững tâm. Thế là hắn không biết gì cả. Dù hắn có mắng nhiếc nhiều hơn nữa, tôi cũng chẳng màng. Nhưng, hãy để yên hai hột muối cho tôi. Thiếu muối, tôi sẽ lâm nguy.
Buổi trưa. Người bạn tù mang phần ăn tới. Anh lại nheo nheo một con mắt với tôi. Tôi nhìn anh bằng đôi mắt biết ơn, và ho lên mấy tiếng như một dấu hiệu trả lời rằng tôi đã biết ý anh. Những ngày sau, mỗi ngày tôi đều nhận được muối. Năm ba hột là thường. Có khi nhiều hơn, tôi ngồi trong nhà cầu ăn bớt để phần còn lại dễ giấu nhét trong lưng quần. Việc gì rồi cũng quen đi, tôi không còn sợ sệt như lần đầu tiên. Dù lượng muối không đầy đủ cho một cơ thể bình thường, nhưng với tôi, nhờ đó mà cầm hơi qua ngày.
Trong thời gian ra Bắc cải tạo, có ba thứ mà người tù thèm khát nhất: đường, muối và mỡ. Tôi nhớ mãi, trong một dịp Tết năm nào, mỗi người được phát một chén đường cát trắng. Nghe nói, đường này do nước anh em xã hội chủ nghĩa Cu Ba, viện trợ cho nước anh em xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không ai hơi đâu mà thắc mắc, nước nào là anh, nước nào là em. Có đường là khoái rồi. Cám ơn Cu Ba. Đang thèm khát, ai cũng ăn một mạch là sạch chén. Riêng anh bạn tên Sơn, gốc Pháo Binh, còn để dành lại một ít. Mỗi ngày, anh cho đường vào cái ve dầu Nhị Thiên Đường, pha thêm vài giọt nước, đem theo ra hiện trường lao động. Thỉnh thoảng, anh ngừng tay cuốc đất, lấy ve nước đường ra, dùng cái que tăm chấm vào, đưa lên miệng liếm. Lần nào anh cũng rên lên một cách khoái lạc: “Trời ơi ..., tôi nghe chất ngọt chạy rần rần trong đường gân ống tủy.” Tiếng rên của anh như một cố ý khêu gợi sự thèm khát của người chung quanh. Có người không chịu được, chửi thề: “Đù mạ! Ăn mẹ nó hết cho rồi. Cứ liếm như liếm lồn.”
Dù có muối, nhưng sức tôi mỗi ngày một suy kiệt bết bát hơn. Thân xác nào chịu nổi với điều kiện một ngày bốn khúc khoai mì, mình trần lạnh lẽo ở trong cái hang ẩm thấp đầy những con mạt ngày đêm làm ngứa ngáy? Những khi ra ngoài, tôi nhìn làn da của mình, hình như ngả dần sang màu xám chì. Thiếu ánh sáng mặt trời, đáng lẽ da tôi phải tái đi chứ? Sự biến đổi trái ngược này là một hiện tượng khó hiểu. Đến một lúc, tôi không còn nghe ngứa nữa. Không biết sự chịu đựng đã quen, hay da mất dần cảm giác? Đặc biệt, lớp da dày của bàn chân bắt đầu bong ra từng mảng. Bên trong là lớp da mới còn non đỏ hỏn, dễ rướm máu. Tôi không gỡ bỏ lớp da dày. Cứ để nguyên như thế, coi như đôi giày bảo vệ lớp da non.
Dạo này, tôi không còn đủ sức vận động hai cánh tay cho máu lưu thông, hoặc tập theo phương pháp dưỡng sinh. Tôi tiết kiệm từng chút sinh lực của mình. Như một ngọn đèn leo lét sắp cạn dầu, tôi cố giữ ngọn lửa thật nhỏ để bớt hao nhiên liệu. Tôi thường nằm, và chú ý đến hơi thở. Lượng hơi thở rất ít, chỉ bằng phân nửa của người bình thường. Mỗi khi thở ra, hình như buồng phổi không còn muốn tự động hít vô nữa. Tôi biết tôi đã tiến đến gần sự chết lắm rồi. Do bản năng sinh tồn, tôi gắng hít thở thật đầy và sâu để giữ mạng sống. Lúc nào tôi cũng buồn ngủ, hai mắt mệt mỏi muốn nhắm lại. Tôi sợ một ngày nào đó, tôi sẽ ngủ luôn một giấc không bao giờ dậy nữa. Trong mơ màng, tôi thường thấy tôi bay lơ lững, và phía dưới có con chó dữ đang chồm lên như muốn cắn. Tôi cố gắng bay lên cao hơn, nhưng không được. Cuối cùng, bao giờ tôi cũng thấy tôi rớt xuống một vùng nước ngập mênh mông giá lạnh. Giấc mơ kỳ lạ ấy, cứ lập đi lập lại hoài. Nhớ những ngày còn nhỏ, mỗi lần về thăm ngoại, tôi phải đạp xe trên con đường đất, ngang qua căn nhà có con chó rất dữ, và bị nó rượt đuổi. Chính con chó này làm tôi khủng hoảng tinh thần lúc còn thơ dại. Nỗi ám ảnh đó, tưởng đã quên lãng trong đời. Không ngờ, nó vẫn còn nằm sâu trong tiềm thức để bây giờ, trở lại trong giấc mơ. Sách nhà Phật nói, người hấp hối thường thấy lại quá khứ của mình. Nếu đúng thế, thì trời ơi, không còn nghi ngờ gì nữa, tôi sắp chết thật rồi. Nhưng sao cuối cơn mơ, tôi lại thấy rớt xuống nước? Có lẽ, đây là sự liên quan nối kết giữa tâm sinh lý, vì tôi đang ở trong hang núi lạnh lẽo.
Hiện tại, đối với tôi, không còn gì quan trọng nữa. Tôi chỉ nghĩ làm sao để níu lại sự sống. Thân xác không được bồi dưỡng bằng thức ăn, tôi tự bồi dường bằng dưỡng khí. Hít thở chậm, đầy và sâu theo phương pháp điều tức của các nhà tu hành phương Đông. Nếu biết cái thuật nhịn đói, và chết giả của những thầy Fakia Ấn Độ, đem chôn bốn mươi ngày, moi lên vẫn còn sống, thật cần thiết cho tôi biết chừng nào. Ngoài việc chú ý hơi thở, tôi còn cầu nguyện. Lúc trước, tôi chỉ cầu sự sống. Trong những ngày này, tôi còn cầu được giúp đỡ phần hồn, nếu đã đến hồi tận mệnh. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng, con người còn có một nơi chốn trở về, sau khi lìa bỏ thế gian.
Một hôm, tôi nói với viên sĩ quan an ninh cho tôi xin một cây gậy.
Anh ta trả lời: “Quy định, anh chỉ có được một lon nước uống, và một ống bương chứa nước tiểu để trong phòng.”
“Tôi không mang gậy vào phòng. Tôi chỉ dùng nó mỗi khi ra ngoài. Xong việc, tôi để nó bên ngoài.”
“Chưa thể quyết định ngay được. Tôi sẽ nghiên cứu lại đề nghị của anh.” Anh ta lấy ngón tay khều nhẹ lớp da bong của bàn chân tôi. “Sao lại thế này?”
“Tôi không biết.”
“Anh thì hỏi cái gì cũng không biết. Thân thể anh, anh cũng không biết. Hãy coi chừng cái đầu luôn luôn khép kín của anh đấy.”
“ Chuyện gì biết thì nói. Không biết mà trả lời ẩu, thành ra nói láo với cách mạng.”
“Anh khai quê quán Tây Ninh?”
“Vâng.”
“Anh biết núi Bà Đen không?”
“Biết.”
“Trước giải phóng, tôi có thời gian dài cả năm chiến đấu quanh vùng ấy. Khi đánh nhau, các anh hung hãn như con thú điên.”
Tôi tránh né: “Sinh ra ở Tây Ninh, nhưng tôi không làm việc ở quê nhà. Tôi không đánh nhau với cán bộ.”
“Dù nơi nào, các anh cũng tỏ ra hung hãn. Anh kể những vùng anh đã đi qua, xem có từng đụng độ với tôi không nào?”
Tôi nói trong mệt mỏi: “Chuyện lâu rồi. Tôi không nhớ rõ.”
“Anh đùa ấy à?”
“Không dám. Cách mạng đã chẳng từng bảo rằng hãy quên quá khứ tội lỗi xấu xa tồi bại của các anh đi. Tôi còn nhớ làm gì?”
“Ngụy biện. Hồ sơ lý lịch của các anh, tôi nắm trong tay, muốn biết lúc nào mà chả được. Nói chuyện là để an ủi anh thôi,”
Ai mà dám tin những kẻ tâm địa chứa đầy nọc độc?
“Cám ơn cán bộ.” Tôi nói.
Anh ta dỗi: “Chả cần cám ơn. Các anh quen miệng, lúc nào cũng nói cám ơn. Nói mãi hai tiếng ấy trở thành giả dối, vô nghĩa.”
Phải mất gần tuần sau, viên sĩ quan an ninh mới cho tôi một chiếc gậy. Chiếc gậy cong queo khúc mắc như chiếc gậy của ông tiên quảy trái bầu trong tranh Tàu.
“Vệ sinh xong, lên phòng làm việc gặp tôi nhé.”
Hơn mười ngày trước, mỗi khi ra ngoài, tôi đã phải lần từng bước. Lúc nào mắt hoa lên choáng váng, tôi dừng lại định thần, và thở lấy sức. Mặc dù không gỡ bỏ lớp da dày dưới bàn chân, tôi vẫn thấy lớp da non đau rát. Hôm nay, nương theo chiếc gậy, tôi đi một mạch đến nhà cầu. Đuối quá, phải dựa vào vách liếp nghỉ mệt, trước khi leo lên cầu tiêu. Và lúc loay hoay trên cầu, tôi sợ nhứt là té xuống rảnh phân. Nếu chẳng may sa xuống cái rãnh gớm ghiếc này, chắc tôi không gượng dậy nổi. Có thể sẽ nằm chết luôn với đám dòi bọ lúc nhúc trong chất bùn non màu vàng ệnh.
Tôi không còn đủ sức kéo nước từ giếng lên. Vì thế, tôi không tắm. Hơn nữa, lúc nào tôi cũng cảm thấy lạnh, không muốn tắm. Vệ binh giúp tôi lấy nước vào lon Guigoz, kèm theo những lời mắng nhiếc thậm tệ. Cũng đúng thôi. Nợ nần gì nhau mà phải lẽo đẽo theo sau một thằng hôi hám?
Vệ binh dẫn tôi lên phòng làm việc của viên sĩ quan an ninh. Anh ta chỉ cái ghế, bảo tôi ngồi. Tôi nói, tôi muốn ngồi dưới nền đất, có bức vách làm chỗ dựa lưng.
“Yếu thế cơ à?”
“Vâng.”
“Thuốc lào Tiên Lãng nhé?”
Tôi lắc đầu. Mỗi lần anh ta tỏ ra tử tế, tôi phải đề phòng. Sau lưng sự tử tế, có thể một tai họa bất ngờ giáng xuống. Và tôi cũng biết, bây giờ tôi chỉ còn là một bộ xương thoi thóp. Sức ấy làm sao chịu nổi cái độ say ngất người, tê rần cơ thể, nằm vật ra, thở hồng hộc của thuốc lào Tiên Lãng? Nếu hút vào một bi, tôi sẽ đứt hơi luôn.
Anh ta cười cười. Sao tôi thấy vẻ cười mang tính gian ác lạ.
“Anh biết tôi là ai không?”
“Sĩ quan an ninh.”
“Hẳn nhiên rồi. Nhưng tôi còn là rễ của Tây Ninh nữa đấy.”
Tôi im lặng.
“Khi vào giải phóng miền Nam, tôi lấy vợ người cùng quê với anh.”
Tôi vẫn im lặng. Người cùng quê với tôi, lấy kẻ vô thần thì danh giá gì mà phải bận tâm suy nghĩ?
Anh ta nhìn tôi một lúc, như quan sát: “Hai người kia đã đi rồi.”
Câu nói bất ngờ làm tôi thảng thốt kêu lên như sắp khóc: “Chết? Trời ơi!”
Cả người tôi lạnh toát, rụng rời. Một tin khủng khiếp mà anh ta nói tỉnh bơ. Đúng là quân sát nhân coi mệnh người như heo chó mới có thể thản nhiên trước sự tử vong của người khác.
Sau cuộc vượt trại bất thành, chúng tôi bị bắt đưa về Đoàn. Từ ấy, bị cách ly, không nhìn thấy mặt nhau. Mỗi ngày, người ta dẫn ra từng người một cho đi làm vệ sinh. Xong, đem vào khoá lại. Dẫn người kết tiếp. Chúng tôi tuy gần nhau mà vẫn như muôn trùng cách trở. Thể lực tôi vốn kém hơn hai người bạn, nào ngờ bạn tôi đã sớm xuôi tay.
Viên sĩ quan an ninh lắc đầu: “Không chết đâu. Làm gì hốt hoảng thế?”
Tôi há hốc mồm, không hiểu.
“Các anh may mắn lắm. Được đặc xá cho về trại cải tạo.”
Tôi không dám tin nơi lỗ tai của mình, hỏi lại: “Có nghĩa rằng tha? Khỏi bị cùm kỷ luật?”
“Đúng thế!”
“Còn tôi?”
Viên sĩ quan gắt: “Anh này ngớ ngẩn. Đã bảo tha là tha tất, kể cả anh nữa.”
Tôi thở phào. Lòng thầm hối về những oán hận vừa qua. Nhưng chung quy cũng tại anh ta. Một tin mừng nói không rõ, dễ ngộ nhận ra một tin buồn tang tóc.
“Hai người kia đã đi trước. Tôi sắp xếp cho anh đi chuyến cuối cùng vì anh cùng quê vợ tôi.”
Lại cái chuyện cùng quê nữa! Dù mừng, nhưng tôi vẫn không khỏi rủa thầm. Tổ cha nó. Cùng quê với vợ nó, mà nó cố tình giữ lại cho đi chuyến cuối cùng để hành tôi thêm được ngày nào hay ngày ấy.
Anh ta trả cho tôi cái túi vải đeo lưng: “Hãy ngồi đây, kiểm lại đồ đạc. Mặc quần áo vào. Chờ tôi.”
Vừa giở bộ đồ ra, tôi nghe mùi mồ hôi gắt gắt đã biến thành mùi mốc. Thương quá, cái mùi của tôi ấp ủ trong áo quần sau hai mươi chín ngày phong kín. Lòng tôi xúc động, cầm nguyên gói quần áo úp lên mặt, hít thở cái hơi hướm cũ của mình. Nước mắt tôi ứa ra, cảm tưởng như vừa từ cõi khác trở về gặp lại chính tôi sau một thời gian dài thất tung. Bây giờ, tôi hiểu rằng, mọi sự lý luận về lòng vị tha nào cũng không bằng lòng tôi yêu tôi hơn bất cứ yêu ai trên cõi đời này.
Viên sĩ quan trở lại, thấy tôi còn đang bần thần ngơ ngẩn.
“Khóc đấy à?”
Tôi lắc đầu, không nói. Một kẻ sống thuần bằng giáo điều máy móc, làm sao cảm thông được con tim ứa máu của người khác?
Anh ta đưa tôi một hủ đường mật đặc sản địa phương, và một bọc gạo.
“Bồi dưỡng đặc biệt. Ăn từ từ. Đừng gấp quá, chết đấy.”
“Cám ơn.”
“Tôi sẽ cho người đến giúp anh.”
Anh ta bỏ đi. Lúc sau, người bạn tù từng đem phần ăn hằng ngày cho tôi xuất hiện.
Bạn rón rén ngồi kề bên tôi, nói nhỏ: “Hai người kia đã được chuyển đi hôm qua.”
“Đi đâu?”
“Không biết. Có dấu hiệu tất cả đều chuyển trại, kể cả Bộ Chỉ Huy tổng trại.”
“Thằng sĩ quan an ninh nói nó giữ tôi lại, đi chuyến cuối cùng.”
Bạn nhìn tôi, ái ngại: “Anh có làm gì để nó ghét không?”
“Chẳng làm gì. Nhưng tôi có cảm tưởng nó thù tôi từ truyền kiếp.”
“Nó bảo tôi nấu cháo cho anh ăn với đường.”
“Tôi sợ chiếc mặt nạ nhân đạo của nó. Hai người bạn đi trước có được phát gạo và đường không?”
“Không.”
“Anh thấy sức khoẻ họ thế nào?”
“Khá hơn anh. Nhưng đi đường xa vất vả, cũng... đáng ngại.” Người bạn tù ngó dáo dác, hạ giọng như sợ có người nghe thấy, “Anh em ở trại suy luận, hình như sắp có đánh nhau với Trung Quốc. Họ chuyển tất cả tù từ thượng du về trung du để bộ đội rảnh tay phòng thủ biên giới.”
“Vì thế mà tôi được tha chăng?”
“Có lẽ thế.”
Người bạn tù mang bọc gạo đi nấu cháo. Tôi mệt mỏi nằm dài xuống nền đất, gối đầu lên túi vải.
Viên sĩ quan bước vào, mang theo tấm bạt che mưa của bộ đội. Thấy tôi nằm, anh ta la lớn: “Không thể nằm đây, phòng làm việc của tôi. Hãy qua bên kia, trong phòng trực có chiếc sạp nứa.”
Tôi bước đi lảo đảo qua phòng trực. Anh ta ôm tấm bạt và xách túi vải của tôi theo sau. Tới nơi, anh bỏ mọi thứ lên chiếc sạp.
“Nằm đấy. Dùng tấm bạt che mưa này làm chăn đắp. Còn anh kia đâu?”
“Đang nấu cháo dưới bếp.”
Viên sĩ quan đứng sát mép giường, đổi giọng nhỏ hơn: “Nói điều này, không được tiết lộ với ai. Đường gạo là của vợ tôi gửi biếu anh, dù không quen biết nhưng cũng cùng quê. Nói không phải kể công, chính tôi đề nghị lên trên xin tha các anh, kèm theo cái thư anh gửi gia đình. Cái thư có tác dụng rất tốt khi cấp trên nghiên cứu đề nghị của tôi.”
Tôi sững sờ, không nói được tiếng nào với kẻ đối diện. Niềm ân hận dâng tràn trong tôi. Sau khuôn mặt gỗ đá trơ trơ tưởng như không tình cảm ấy, vẫn còn đọng lại cái nhân tính của một con người.
Anh ta nói tiếp: “Anh ở lại vài ngày, bồi dưỡng lấy sức để đi xa. Ngày mai, những anh cải tạo được biệt phái lên Đoàn không đến đây nữa. Anh phải tự phục vụ cho mình. Khả năng tôi giúp anh chỉ có thế. Làm hơn, sẽ bị chỉ trích phê bình. Hậu quả của người bị phê bình không đơn giản đâu. Anh hiểu chứ?”
Tôi ấp úng: “Vâng! Tôi hiểu. Tôi cũng không biết nói lời gì để cám ơn...”
Anh ta gạt ngang: “Chả cần phải làm thế. Khi nói chuyện với tôi, hãy dè chừng những người chung quanh. Trước thế nào, nay vẫn giữ thế ấy. Tỏ thái độ khác sẽ có hại cho anh và cả tôi nữa. Nhớ nhé!”
Nói xong, viên sĩ quan an ninh quay đi. Cũng vẫn con người ấy, nhưng giờ đây, tôi thấy dưới lớp băng đông giá còn tiềm ẩn cái hơi ấm tình người. Nhìn qua bên kia hàng rào trại, cây rừng đang xanh tốt mùa mưa. Lòng tôi cũng bắt đầu xanh lại. Trong khi chờ người bạn tù nấu cháo, tôi nằm xuống chiếc sạp nứa. Có tiếng mọt kẽo kẹt nghiến gỗ trong vách. Trước kia, đêm trằn trọc trong trại cải tạo nghe tiếng mọt, lòng tôi ray rứt như nghe đời mình đang bị gặm nhấm hao mòn dần theo những ngày tháng. Bây giờ, cũng tiếng mọt, nhưng tôi lại nghe như tiếng đời sinh động.

No comments: