Monday, May 26, 2008

Lỗi tại tôi mọi đàng


Mùa xuân năm 85, tôi về quê. Quê tôi ở Gò Chùa, nằm trên quốc lộ nhưng vẫn là nhà quê. Tôi bốn mươi tuổi, tóc đã có nhiều sợi bạc. Tôi không có tiền, không nghề nghiệp, sống nương tựa vào ba tôi.
Ba tôi bảy mươi hai tuổi, là người tàn phế. Ông mất cánh tay phải trong thời kỳ chiến tranh. Hiện nay, ông sống nhờ vào tiền của anh tôi, gởi về từ Canada. Số tiền này chỉ đủ ăn tiện tặn. Muốn mua sắm những thứ lặt vặt trong gia đình, ba tôi nuôi con heo nái, và nấu rượu. Nấu rượu không có lời, nhưng có hèm trộn chung với cám làm thức ăn cho heo. Mỗi năm, bán được mấy lứa heo con cũng được đồng ra đồng vào.
Hàng ngày, tôi đi quanh quẩn lối xóm, mặt mày ủ dột. Không nghĩ ra việc gì làm để khỏi bám vào ba tôi. Tôi đói lắm. Đói nhiều năm trước khi về đây. Tôi cần ăn mà mỗi lần bưng chén cơm, tôi như mắc nghẹn. Tôi còn đầy đủ tay chân, làm sao thanh thản nuốt miếng cơm của người cha già tàn tật?
Tôi đi ra đồng, lủi vào rẫy mía hái những thứ rau sam, rau dệu mọc hoang. Gió lay cờ mía bay trắng đồng, vướng cả trên đầu, trên áo tôi. Loài chim sâu luýt chuýt kiếm ăn trong mía, thấy có người bay vụt lên. Lúc tôi chui ra, gặp ông cụ vác cuốc đi tới.
Cụ hỏi: “Làm gì trong ấy?”
Tôi cầm bó rau giơ lên.
Cụ nói: “Rau dại ư? Đứng đó.”
Cụ lủi ngay vào rẫy mía, lối tôi vừa chui ra. Cụ không tin tôi, muốn kiểm soát xem có cây mía nào bị bẻ trộm. Mặt tôi ra sao mà ai cũng nghi ngờ trộm vặt? Tôi nghĩ, con người có cái vận. Khi vận mạt thì khí sắc bệ rạc, che lấp cái vẻ đường hoàng khả tín. Có phải mặt tôi tôi bây giờ như thế?
Cụ già chui ra, dịu giọng: “Lần sau đừng vào rẫy.”
Tôi nín thinh bỏ đi.
Tôi đem rau về, giấu sau hè. Lúc ba tôi đi khỏi, tôi luộc rau ăn thêm. Nhiều lần như thế. Có lần ba tôi về bất ngờ, thấy tôi đang ngồi với rổ rau. Không giấu được nữa, tôi gượng cười. Ba tôi đứng sững nhìn tôi, rồi quay đi không nói gì.
Buổi tối. Dưới ngọn đèn dầu, ba tôi ngồi quấn thuốc rê. Ông xe tròn điếu thuốc trên mặt bàn bằng bàn tay còn lại. Tôi ngồi trong góc tối, nhìn sự thiếu hụt một phần thân thể của ông. Tôi nghĩ, không phải chỉ có thế. Nó còn ảnh hưởng rất lớn đến sự thiếu hụt của tâm hồn, đưa đến buồn chán an phận một kiếp người.
Dì tôi đi ngủ rất sớm. Dì ngủ và thức cùng giờ với gà. Trời chưa chạng vạng, gà đã vào chuồng. Mới bốn năm giờ, gà gáy báo hiệu bình minh. Dì thức dậy, không để làm gì cả. Dì chong đèn ngồi lặng cho đến khi trời sáng. Tôi gọi mẹ kế bằng dì. Mẹ ruột tôi mất. Năm năm sau, ba tôi rước dì về làm vợ. Lúc đó, tôi mười ba tuổi. Dì ở với ba tôi, ba mươi năm không có con. Miệng đời xoi mói rằng trước khi về với ba tôi, dì đã lang chạ với nhiều đàn ông. Dì ít nói đến độ tôi không biết tình cảm của dì ra sao. Dì không nói câu gì làm tôi buồn, cũng không tỏ thiện cảm với tôi.
Tôi về hai mươi mốt ngày, ba tôi bán lứa heo con. Tiền bán heo cất trong tủ. Xâu chìa khóa treo ở cây đinh, khuất sau tủ.
Mấy ngày sau, ba tôi nói: “Tiền bán heo mất sạch rồi.”
Dì nhìn tôi, dò xét.
Tôi không biết nói sao, bỏ ra ngoài hiên ngồi hút thuốc. Dưới chân tôi, những con kiến đen đi tìm mồi. Nắng xế chiều xuân gay gắt lắm. Trời cao và xanh, gợn vài cụm mây nhỏ. Nỗi đời hốt biến như mây chó.
Một bà quảy gánh đi ngoài đường, hỏi vọng vào: “Có đồ gì cũ, bán không?”
Tôi nói: “Có tôi. Mua tôi không?”
Bà nhìn tôi: “Mặt không đáng đồng xu.”
Tôi chợt nhớ có mấy cái muỗng nĩa bằng inox, và đôi dép nhựa đứt quai.
Tôi gọi: “Bà ơi, vào đây.”
Bà cầm muỗng nĩa lên coi: “Tất cả mười đồng.”
Tôi nói: “Mười lăm.”
Bà quảy gánh lên vai.
Tôi nói: “Mười đồng, lấy đi. Còn đôi dép?”
Bà nói: “Cho thì lấy. Không mua.”
Tôi cất tiền trong túi, bâng quơ nhìn đàn gà bươi dưới gốc hàng rào cây dâm bụt. Nhà đang dọn cơm chiều. Tôi bỏ đi lang thang. Chiều tối mịt, tôi ghé quán cà phê. Cà phê sữa, mười hai đồng. Cà phê đen, tám đồng. Tôi uống cà phê đen. Dư hai đồng, tặng luôn cho cô gái chạy bàn. Quán vắng. Bóng đèn nhỏ bằng đầu ngón tay, dùng điện bình acquy, ánh sáng mờ mờ buồn thảm. Tôi ngồi im lặng. Ly cà phê đã hết từ lâu. Tôi ngồi im lặng như thế, thật lâu. Buồn tay, tôi quậy chiếc muỗng chạm lanh canh trong cái ly không.
Cô gái hỏi: “Chú dùng thêm gì?”
Tôi lắc đầu.
Cô lại hỏi: “Có phải chú là cái chú gì cải tạo mới về đó không?”
Tôi nói: “Phải rồi.”
“Được về thì mừng. Sao chú buồn?”
Tôi nói một câu rẻ tiền: “Đời chẳng có gì vui.”
Nói xong, tôi chào cô gái và ra khỏi quán.
Ba tôi ngồi ngoài hiên chờ tôi về. Đèn trong nhà hắt sáng yếu ớt sau lưng làm khuôn mặt ông tối hẳn, như cái bóng đen in trên nền phong hư ảo.
Ba tôi nói: “Còn chừa phần cơm cho con.”
Tôi đói lắm, nhưng nói: “Con không đói.”
Ba tôi nói: “Con đừng làm thế. Ba không nghi cho ai cả.”
Tôi nghĩ, thân phận tôi, ai cũng nghi ngờ là kẻ gian. Chỉ có ba tôi tin tôi.
Ba tôi nói tiếp: “Ba đã biết người lấy tiền.”
Tôi nghĩ, ba tôi hiểu tôi là đủ rồi.
Ba tôi kể: “Ba dời cái ổ gà đẻ, phát giác ra số tiền cất giấu dưới đáy ổ gà. Dì con nói ăn ở với ba không có con. Sợ khi chết không ai lo nên tự lo trước cho mình. Dì con muốn mua bộ táng đá xây mả.”
Tôi gục đầu. Xót cho ba tôi. Xót cho Dì. Xót cho tôi. Ai cũng muốn làm người tốt, hoàn cảnh cứ xô vào ngõ cụt.
Ba tôi và tôi ngồi đấy. Đêm xuân mà đất trời mờ mịt, oi bức. Muỗi bay vo ve bên tai. Ngoài đường, toán du kích xã đi tuần ngang qua. Họ cười nói oang oang. Súng đạn khua lách cách. Bên nhà hàng xóm có tiếng chó sủa.
Tôi nói: “Con muốn gặp Minh, giải quyết vấn đề một lần cho xong.”
Ba tôi nói: “Đừng. Thằng bồ của nó sẽ đưa con vào tù đấy.”
“Con không làm điều gì rắc rối.”
“Cũng đừng. Ngày con đi tù, nó còn trẻ quá không chờ được. Không phải lỗi tại nó đâu.”
Không phải lỗi tại nó đâu. Lỗi tại ai? Tôi hỏi lòng tôi như thế. Đêm xuân mà đất trời mờ mịt. Tôi dõi mắt nhìn xa hơn, chỉ thấy mờ mờ như ảo giác. Tất cả đều là ảo giác, là phù du, kể cả đời này.
Ngày mồng tám tháng ba, Dì tôi làm bữa ăn ngon. Thịt cá rau cải chiên xào đầy đủ. Dì không tuyên bố một lời.
Ba tôi nói: “Hôm nay, mừng tuổi sáu mươi tư cho dì của con.”
Tôi nắm hai bàn tay, đưa lên trán rất trịnh trọng: “Con chúc dì sức khỏe tốt, sống lâu trăm tuổi.”
Dì nói: “Già quá, chỉ khổ thân. Lúc nào mắt lòa tai điếc, chết đi là vừa.”
Tôi ăn. Và nghĩ đến những điều giả dối. Mọi người rõ mặt nhau mà không rõ lòng nhau. Tội nghiệp dì tôi. Sáu mươi tư tuổi, dì vẫn cô đơn khép kín trong nhà này. Ba tôi cũng cô đơn bên người đàn bà khép kín. Tôi thì quá đau khổ hận đời. Bộ mặt lầm lì, còn gần gũi được với ai?
Chúng tôi đang ăn, có anh du kích đứng trước cửa, hỏi lớn: “Ở đây có ai tên Lâm?”
Ba tôi buông đũa đi ra: “Nó là con tôi. Có chuyện gì không?”
Du kích chìa tờ giấy: “Có giấy mời lên xã.”
Ba tôi cầm tờ giấy quay vào, thắc mắc: “Không biết chuyện gì?”
Tôi nói: “Chuyện gì cũng vậy thôi.”
Ba tôi nói: “Đụng tới bọn này phiền lắm.”
Từ lúc nhận giấy mời, bữa ăn mất ngon. Dì tôi không nói câu gì.
Tôi lên xã, được lệnh chuẩn bị ngày mai đi công tác thủy lợi.
Ba tôi hỏi: “Tù mới về, còn trong thời hạn quản chế. Sao bắt đi thủy lợi?”
Tôi nói: “Mỗi địa phương có một ông vua con, áp dụng luật rừng xanh.”
Ba tôi than: “Toàn là luật lệ chết người.”
Tôi nói: “Trong tù lao động, có cơm tù. Về đây lao động, lấy gì ăn?”
Ba tôi lặng lẽ vào nhà bếp xúc cho tôi bọc gạo, gói vài con cá khô, nhét chút tiền đi xe.


Tôi ngồi xe Lam đi Bến Mương, lội bộ hơn cây số đường đất là vào tới chỗ công tác thủy lợi. Nhiều người đến trước đang dọn chỗ trong căn nhà trống. Có lẽ xưa là nhà hội của dân Bến Mương. Phía trái cách căn nhà vài chục bước có cây đa già, độ tuổi trăm năm. Tàng cây cao rộng, phủ một vùng bóng lớn. Trên nhánh cây thòng xuống những rễ phụ, đâm xuống đất. Nhiều rễ lâu năm, to bằng cột nhà.
Toán thủy lợi gồm hai mươi tám người. Đàn ông đàn bà, già trẻ đủ mặt. Toán chia làm hai nhóm. Mỗi nhóm có một nhóm trưởng. Tôi bốn mươi tuổi, già nhất, được chỉ định làm toán trưởng coi hai nhóm trưởng. Làm toán trưởng cũng là làm chơi thôi. Mọi sự đôn đốc kiểm soát đã có đốc công. Bốn đốc công, coi hai mươi tám người. Lại có thêm một đốc công trưởng, coi bốn đốc công. Ông này có súng K54, mang bên hông rất oai. Tổ chức chặt chẽ qua nhiều tầng lớp kiểm soát, nhưng khi bắt đầu làm việc thì tất cả đốc công đều vắng mặt. Họ vào xóm Bến Mương ăn nhậu, hoặc tán gái. Chúng tôi cầm xẻng cuốc đứng dưới lòng kênh, thỉnh thoảng hất một xẻng đất lên vá những chỗ đê vỡ. Làm việc ầu ơ lấy có. Phần lớn thì giờ là nói chuyện tầm phào, kể chuyện tiếu lâm. Mấy chị đàn bà rất thích nghe chuyện tục. Họ cười nhiều nhất.
Đến trưa, mọi người tự động ngưng làm, vào nấu ăn. Gạo để chung, đồ ăn chung. Đàn bà lo nấu nướng. Đàn ông ngồi hút thuốc tán gẫu, chờ cơm.
Tôi mắc võng vào hai chiếc rễ phụ của cây đa, tránh sự ồn ào trong căn nhà trống.
Một chị nói: “Nằm đây nguy lắm. Cây này có nhiều rắn lục.”
Tôi nói: “Chỉ nằm nghỉ trưa.”
Chị nói: “Ừ. Ban đêm thì không nên.”
Buổi chiều. Hai mươi tám người ra đê, chống cuốc xẻng phơi nắng vài tiếng đồng hồ, lại vào nghỉ.
Sau một ngày rong chơi, các đốc công trở về. Có người nồng hơi rượu. Họ ra đê kiểm soát công việc.
Lúc trở vào, có người nói: “Thời gian có hạn. Bà con làm thế thì bao giờ cho xong? Mai cố gắng lên nhé.”
Một chị trẻ bĩu môi, nói: “Đợt này không xong. Đợt sau làm tiếp.”
Anh đốc công đi lại, vỗ vào đít chị trẻ: “Lắm lời chanh chua cong cớn này!”
Chị trẻ vênh mặt : “Thì sao?”
Anh đốc công cười hì hì, cúi sát mặt chị trẻ: “Tối nay phạt cái tội lười biếng.”
Chị khác xía vào chuyện: “Mười người như anh, nó cũng không sợ.”
Anh đốc công hỏi: “Em sợ không?”
Chị nói: “Cỡ anh, tôi chấp hai chục.”
Bọn đàn ông vỗ tay cười đùa.
Cơm chiều xong. Những anh đốc công theo ve vãn mấy chị đàn bà. Vài chị đi với họ suốt đêm. Số còn lại, ngủ trong căn nhà trống.
Nhiều đêm khó ngủ, tôi thấy có kẻ lén chui vào mùng người khác. Có một cặp, đêm nào cũng dìu nhau ra gốc cây đa. Vài hôm sau, tôi biết chị đàn bà dọa tôi có rắn lục là người được dìu ra gốc cây đa, lúc nửa khuya. Chị không sợ rắn lục.
Gần sáng. Tiếng gà gáy vẳng lại từ xóm Bến Mương là lúc những kẻ lộn sòng trở về đúng vị trí của mình. Công việc thủy lợi lại bắt đầu như mọi ngày bình thường.
Ngày thứ mười lăm, ông đốc công trưởng tuyên bố: “Hôm nay là ngày cuối cùng, tôi cho bà con nghỉ việc buổi chiều. Trước khi chia tay, tôi đề nghị bà con tùy khả năng mỗi người, đóng góp chút tiền hùn mua vài con gà và lít đế làm tiệc liên hoan mừng công tác tu sửa hệ thống thủy lợi đã tiến hành thuận lợi và hoàn tất tốt đẹp. Có ai có ý kiến gì không?”
Mọi người vỗ tay tán thành lời đề nghị văn hoa của ông đốc công trưởng.
Kiểm lại số tiền đóng góp xong, ông chỉ định: “Anh toán trưởng đi mua gà với tôi.”
Tôi nói: “Vâng.”
Trên đường vào xóm Bến Mương, ông đốc công trưởng nói: “Anh ít nói nhỉ?”
Tôi trả lời: “Tôi không có gì để nói.”
Chúng tôi hỏi mua gà nơi nhà của một người quen với ông đốc công trưởng. Ông gọi người này là anh Sáu Lự. Anh chịu bán và bảo vợ lo bắt gà. Chị Sáu Lự ra sân rải thóc, chu miệng gọi gà: “Chúc chúc chúc...”
Đàn gà đang kiếm ăn rải rác ngoài vườn, nghe tiếng gọi chạy về mổ thóc trên sân. Có con gà trống lớn không lo ăn, chỉ lo dụ khị con gà mái tơ để đạp mái. Sau khi thỏa mãn, nó vỗ cánh vươn cổ gáy ò ó o ò o...
Ông đốc công trưởng cười nhìn chị Sáu Lự, và bắt chước giọng gà: “ Ò ó o ò o... Đời có thế mà thôi..!”
Chị Sáu Lự cũng cười, mắng: “Đồ quỷ quái!”
Quả thật là đồ quỷ quái. Đời có thế mà thôi. Sao tôi cứ loay hoay buồn rầu khốn khổ với đời?


Sau đợt công tác thủy lợi. Tôi về vẫn y như tình trạng cũ. Buồn nản. Quẫn trí.
Ba tôi đưa bộ truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung, bảo: “Đọc đi.”
Tôi nói: “Còn tâm trí đâu mà đọc.”
Ba tôi nói: “Thằng Lệnh Hồ Xung bị cả hai phái hắc bạch giang hồ chối bỏ, đến nỗi phải than trời đất mênh mông mà ta không còn chỗ dung thân, nhưng cuối cùng nó cũng đâu có chết.”
Tôi nói: “Chuyện hư tưởng, đọc để mua vui. Không thể lẫn lộn giữa thực và mộng.”
Ba tôi nói: “Không sống với thực được thì trốn vào mộng. Đau khổ mãi ích gì?”
Tôi nói: “Con đang suy tính một việc làm.”
Ba tôi bảo: “Hãy viết thư sang Canada cho anh con.”
Tôi nói: “Người ta chỉ giúp ngặt, không giúp nghèo.”
Ba tôi nói: “Đây là lúc ngặt của con.”
Ông đưa giấy bút cho tôi. Tôi viết:
Ấp Gò Chùa ngày... tháng... năm...
Kính gởi anh chị Hai,
Trước tiên, em có lời thăm anh chị và chúc sức khỏe.
Ở nhà, Ba và Dì vẫn khỏe. Vẫn nuôi heo, nấu rượu bình thường.
Sau đây, em xin nói về phần em. Em đi cải tạo mười năm, có tiến bộ về mặt tư tưởng. Được Đảng và nhà nước khoan hồng cho về với gia đình, góp phần xây dựng xã hội mới. Hiện tại, em chưa được bố trí việc làm. Vì vậy, đời sống chưa được đảm bảo tốt. Em mong anh chị vì chút tình ruột thịt mà giúp cho em một số tiền để sống, và chờ đợi...
Một lần nữa, em xin chúc anh chị bình yên, vui tươi, hạnh phúc.
Giấy ngắn tình dài, em xin dừng bút tại đây.
Em của anh chị.
(Ký tên)
Tái bút: Vợ em thì coi như diều đứt dây rồi. Không còn gì để nói.
Tôi đưa lá thư cho ba tôi đọc lại. Đọc xong, ông vò lá thư ném vào lò nấu cám heo.
Ba tôi nói: “Nó sợ Đảng và nhà nước mà bỏ chạy. Viết thế này thì một xu cũng không được.”
Tôi lặng người. Có một nỗi gì thấm thía của gã ăn mày bị từ khước.
Lúc ấy, dì tôi đi đâu bên ngoài vừa về tới.
Dì nói: “Cô Bảy Mỹ Quang nhắn con sang nhà, bàn chuyện gì đấy.”
Cô Bảy là em họ của ba tôi. Trước kia, cô là chủ tiệm Mỹ Quang buôn bán đồ điện ở Sài Gòn. Sau hai đợt đánh tư sản mại bản, cô sạt nghiệp phải lui về Gò Chùa, làm bún kiếm ăn qua ngày. Con trai của cô làm ở Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, đi cải tạo chưa về. Còn đứa con gái theo chồng vượt biên, biệt tăm luôn. Nhiều người cho rằng, vợ chồng con gái của cô đã chui vào bụng cá mập.
Cơm chiều xong, tôi sang nhà cô Bảy. Dượng Bảy lúi húi nấu nước pha cà phê.
Cô Bảy nói: “Con được về là gia đình mừng. Nhưng ba và dì của con cho biết, con mặc cảm có ăn mà không có làm. Cô có công việc cho con.”
Tôi mừng, đợi nghe cô nói tiếp. Dượng Bảy đem hai ly cà phê đặt lên bàn. Dượng cười. Hàm răng cửa chỉ còn mấy chiếc chơ vơ thảm hại.
Dượng nói: “Con phụ làm bún với dượng.”
Tôi nhận lời ngay. Đối với tôi bây giờ, việc gì cũng được.
Buổi sáng. Cô Bảy ngồi bán bún ở chợ. Tan chợ, cô gánh bún đi lòng vòng lối xóm đổi gạo. Dượng Bảy và tôi ở nhà xay bột, bồng bột.
Buổi chiều. Cô Bảy về nhà, Dượng và tôi lại nhồi bột, nắn lại từng khối tròn như trái banh. Luộc bột trong một cái trã lớn. Cô Bảy vớt khối bột ra, cho vào cối. Dượng và tôi chèo bột, dùng sức đến đổ mồ hôi. Rồi nắn bột thành những khối hình trụ, cho vào cối ép thành sợi. Việc này cần sức nặng mà Dượng và tôi đều ốm nhom, phải bê thêm cái cối dằn lên cho tăng phần trọng lượng. Sợi bún chảy xuống nồi nước đang sôi. Lại trút bún ra, cho vào nước lạnh. Cô Bảy vớt con bún rê thành từng lọn là lúc dượng và tôi ngồi thở. Sau đó, tôi gánh nước luộc bột về cho ba tôi nuôi heo. Ít ra, trong nước luộc cũng còn vương chút bột, góp phần làm con heo mau lớn. Công việc loay hoay mệt nhọc như thế, xong xuôi vào lúc nhà lên đèn.
Cô dượng làm bún chỉ đủ ăn. Tôi làm bún để có ăn, không có lương. Lâu lâu, cô Bảy cho bánh thuốc rê và cuộn giấy quyến.
Mấy hôm nay, có gánh hát Cải Lương Hồ Quảng ghé xã. Cô Bảy cho tiền bảo tôi đi coi. Tôi đi trong màu trăng. Trời trong và trăng sáng lắm. Bóng tôi in trải trên đường. Chỉ mình tôi với bóng. Buồn và cô đơn khủng khiếp. Tôi đi đến chỗ có ánh đèn điện sáng choang, người người đông đảo lao xao. Hội trường được che chắn chung quanh làm rạp hát. Phía trước, dựng lều căng bạt bán cà phê, nước giải khát, bánh kẹo, thuốc lá và thức ăn. Người ta chen chân nhau vào cửa rạp. Tôi không muốn vào. Tôi đi loanh quanh. Lòng tôi nguội lạnh, lẻ loi. Cuối cùng, tôi ngồi dưới một mái lều bán cà phê. Cô bán hàng là người quen, tên Giang. Giang là bạn của vợ tôi. Trước kia, Giang làm ở Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Thời thế thay đổi, Giang đem con về sống ở quê. Chồng vượt biên sang Mỹ, nghe đâu đã có vợ khác rồi.
Giang bưng cà phê cho tôi, rồi ngồi ở phía sau chiếc bàn bày hàng.
Giang hỏi: “Anh về có khỏe không?”
Tôi nói: “Khỏe.”
Giang lại hỏi: “Có gặp chị Minh không?”
Tôi lắc đầu: “Thuộc về quá khứ rồi. Gặp làm gì nữa.”
Giang nói: “Chị Minh cũng vì hoàn cảnh.”
Tôi nói: “Một trăm người đàn bà phụ bạc cũng đổ thừa hoàn cảnh. Chồng em có liên lạc về không?”
Mắt Giang thoáng chút xa xôi buồn bã: “Coi như nước xuôi ra biển, không trở lại nguồn.”
Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp Giang hết sức. Tôi nghĩ, tôi với Giang là người đồng cảnh, dễ tội nghiệp cho nhau.
Tôi hỏi: “Em dọn hàng về lúc nào?”
Giang nói: “Thưa người là em dọn.”
Tôi hỏi: “Đồ đạc nhiều quá, làm sao một mình em đem hết?”
Giang nói: “Em đi làm hai lần.”
Tôi nói: “Anh sẽ phụ với em. Một lần là xong.”
Giang ngại: “Có phiền anh không?”
Tôi nói: “Phiền gì? Anh cũng đang rỗi rảnh.”
Có mấy người khách ngồi vào bàn cà phê. Giang lo tiếp khách. Tôi đứng dậy bỏ đi. Tôi đi vòng ra phía sau hội trường. Có những cặp tình nhân đứng nép vào nhau, dưới bóng tối những tàn cây. Tôi nghĩ, ở đâu người ta cũng có thể nói chuyện tình yêu. Cái thứ tình cảm quỷ quái này, nó đánh lừa tất cả. Mới đầu tưởng nó là hạnh phúc, nhưng sau đấy là những thất vọng chán chường đau khổ. Tôi cũng thế, tôi cũng bị lừa.
Khi tôi quay lại chỗ Giang. Giang nói: “Tối nay em nghỉ sớm.”
Tôi phụ Giang xếp những đồ đạc lên xe ba gác. Một xe cồng kềnh đầy nhóc.
Tôi hỏi: “Còn cái bàn, chắc phải đi thêm chuyến nữa?”
Giang nói: “Để lại. Ngày cuối cùng dỡ lều sẽ đem về luôn.”
Giang cầm càng xe. Tôi đẩy ở phía sau. Trên đường về, trăng sáng lắm. Dọc đường, Giang kể về cuộc sống vất vả sau ngày chồng bỏ đi. Tôi kể chuyện làm bún. Giang đùa rằng tôi có cái tướng của ông chủ lò bún tương lai. Giang và tôi cùng cười. Nói chuyện với Giang, tôi nghe nhẹ cả lòng.
Đến nhà, Giang bảo: “Để nguyên như thế, cho cả chiếc xe vào nhà. Mai lại đem đi.”
Tôi đứng tần ngần. Nửa muốn nán lại, nửa muốn về.
Giang đến gần tôi, hỏi nhỏ: “Có ai chờ anh ở nhà không?”
Tôi nói: “Không.”
Giang nói như nói thầm: “Thế thì nghỉ lại đây với em.”
Tôi quàng vai Giang.
Giang vùng ra: “Cho em đi tắm.”
Tôi ra đứng ngoài sân, nghe tiếng giội nước sau hè. Tôi hình dung ra thân thể nở nang của người đàn bà một con, da thịt trắng ngần loang loáng nước dưới trăng. Tôi háo hức đợi chờ. Lúc sau, tôi bước vào nhà. Giang mặc áo cánh mỏng, đang lúi húi khêu tim đèn. Tôi ôm ghì lấy Giang.
Giang nói: “Từ từ, anh...”
Tôi thổi tắt phụt ngọn đèn, dìu Giang đến chiếc giường, nơi có ánh trăng mờ mờ xuyên qua đầu hồi. Tôi ôm Giang, vuốt ve hôn hít. Giang thở dồn dập. Tôi cũng thở dồn dập. Bao nhiêu rạo rực dục tình dồn nén trong mười năm trời, bỗng tuôn ra tháo đổ khi chưa kịp cổi áo quần. Tôi xấu hổ, cố giấu Giang. Tôi lặng đi một lúc, rồi tiếp tục vuốt ve hôn hít, mong mau chóng hâm nóng lại dục tình. Nhưng bất ngờ Giang sờ tay xuống dưới, đụng phải vật mầm nhũn.
Giang xô tôi ra, kêu lên: “Em biết tại sao chị Minh bỏ anh rồi.”
Tôi hoảng hốt: “Không phải thế đâu.”
Giang vùng dậy, thắp đèn: “Em xin lỗi. Anh về đi.”
Tôi đi về trong đêm trăng sáng. Khuya vắng đến rợn người. Tôi nghe tim mình đang lay lắt trong lồng ngực, nghe rõ cả bên ngoài tiếng côn trùng rên rỉ. Buồn và cô đơn khủng khiếp. Tôi nghĩ, đời vẫn dành cho tôi nhiều ưu ái. Tại tôi làm hư việc. Lỗi tại tôi mọi đàng. Tôi đi. Bóng tôi in trải trên đường. Chỉ mình tôi với bóng.

Lâm Chương

No comments: