Thursday, May 15, 2008

LÂM CHƯƠNG
Mảnh đất nhiều âm binh

Hồi đang đào kênh Trảng Gùi, con đường vào Cầy Niêu chưa tráng nhựa. Mùa nắng, mặt đường nổi đầy đất cát. Mùa mưa, nhiều nơi sình lầy úng thủy. Mười chín năm sau trở lại nơi này, tôi vẫn chưa quên những ngày gian khổ ấy. Lúc tôi đi tù mới về, đói và quẫn trí chưa biết làm gì để có miếng ăn hàng ngày thì bị gọi đi làm thủy lợi. Thân lo chưa xong, lại dồn vào thế khó. Tôi không dám thốt ra lời gì bất mãn, sợ bị đưa trở lại trại cải tạo. Trại cải tạo, tôi đã ở 10 năm. Tôi biết địa ngục là có thật. Trên đời này, tôi sợ nhiều thứ, nhưng không thứ nào tôi sợ bằng trại cải tạo. Nó làm cho con người chết dần chết mòn trong đói khát và lao động khổ sai. Nhiều năm qua rồi, tôi muốn quên đi, nhưng không sao quên được. Nhìn đâu và làm gì, tôi cũng liên tưởng đến nó. Trong những giấc chiêm bao, tôi thấy trùng trùng lớp lớp hàng rào bằng tre nứa, đầu chông nhọn hoắt đan chéo vào nhau, vây hãm những con ma vật vờ ốm đói. Tôi thấy những khu rừng âm u đầy sơn lam chướng khí và độc trùng lúc nhúc dưới chân. Tôi la thảng thốt. Lúc tỉnh dậy, vẫn còn bàng hoàng không biết mình đang ở đâu. Trong đời sống hàng ngày cũng vậy, nhiều khi tôi bỗng hoảng hốt một cách vô cớ. Thân ra khỏi tù mà tâm còn nằm trong trại. Một lối khủng bố siêu việt, giam hãm đầu óc người ta suốt đời.
Ngày tôi vác cuốc xẻng lên đường đào kênh, ba tôi dặn: “Tai họa theo miệng mà ra. Con phải giữ mồm.” Ba tôi, một ông già gần đất xa trời, cái tâm đã hướng về cõi hư vô, vẫn còn áy náy cho tôi. Tôi nói: “Con biết tự lo cho mình.” Ba tôi trách: “Mày thì lúc nào cũng nông nổi. Nhìn mặt ảm đạm của mày, bọn âm binh đọc được ý nghĩ trong đầu mày. Nguy lắm, con ạ. Hãy tạo bộ mặt tươi lên.” Tôi nói: “Hoàn cảnh bi đát, mặt làm sao tươi được, hả ba?” Tôi còn nhớ đôi mắt ba tôi lúc ấy, đôi mắt lõm sâu mang niềm u ẩn của một kiếp người buồn thảm. Ông nhìn vào tôi im lặng đầy bóng tối. Tôi quay đi. Buổi sáng trời đầy mây. Lòng tôi cũng đầy mây. Mong một cơn mưa rào bất chợt.
Kênh đào Trảng Gùi cắt ngang con đường đất dẫn vào Cầy Niêu, chỗ úng thủy nhiều nhất. Trưa trời đứng bóng, nắng đổ lửa trên đầu. Công việc nặng nhọc, mặt người phờ phạc. Cán bộ nói, đào kênh dẫn thủy nhập điền là công tác lợi ích lâu dài, mọi người đều có trách nhiệm tham gia. Chính quyền sở tại cũng phát động phong trào thi đua lao động là vinh quang, động viên tinh thần làm việc của dân công. Ðâu đâu cũng có khẩu hiệu. Thế nhưng khẩu hiệu cũng không thúc đẩy nổi những đôi tay làm nhanh chóng hơn, trong khi đầu óc còn mãi lo cho miếng ăn. Người ta rỉ tai nhau, lao động là vinh quang chỉ dành riêng cho tầng lớp áo rách và ngụy quân ngụy quyền. Ai thuộc thành phần cách mạng, hoặc có dây mơ rễ má với cách mạng thì đã vinh quang rồi, nhường bớt cái vinh quang cho người khác. Dân công thủy lợi không được cấp một thứ gì, ngoài thùng nước lã để trên bờ kênh.
Tôi đứng dưới lòng kênh, ngó lên Lương Mập. Hắn đã qua rồi công tác thủy lợi. Hiện tại hắn đang đắp đường. Chỉ một mình hắn làm công tác này. Hắn là bạn học cũ của tôi, đi lính Sư Ðoàn 25 Bộ Binh. Khi thất thế, hắn quay về sống nương nhờ vào vợ. Buồn đời, hắn đâm ra uống ruợu, phát ngôn linh tinh không đúng đường lối cách mạng nên bị bắt đi đắp đường. Một hình phạt quá nhẹ đối với những người được đánh giá là vô dụng của xã hội. Gọi Lương Mập là cái biệt danh hồi còn đi lính, chứ bây giờ, hắn như que củi khô. Giữa trưa nắng, hắn đứng chống cuốc nhìn trời chửi đổng: “Ðéo mẹ bà nó, trời cao có mắt. Ðể rồi coi.” Tôi nói: “Lương ơi, mày khép cái mồm lại đi.” Hắn nói: “Con cặc! Thằng nào làm gì được tao?” Hắn không suy nghĩ, ngay cả việc bắt hắn đắp đường cũng là một cách “thằng nào làm gì” hắn rồi. Ðám dân công đang thủy lợi nhìn nhau giấu một nụ cười. Họ không dám chửi, nhưng khoái nghe người khác chửi cho sướng lỗ tai. Vạ người khác chịu. Ðời Lương Mập coi như bỏ. Một tay nghiện ruợu đang chờ đi đầu thai kiếp khác. Hắn sống bất cần đời. Và đời cũng chẳng cần hắn. Ðời chỉ nắm đầu những thằng có tóc. Hắn thuộc loại trọc đầu, còn biết sợ ai? Nhất là khi có ruợu vào thì trời đất cũng coi là chuyện nhỏ, huống hồ mấy đứa âm binh.
Nhìn Lương Mập lừ đừ chậm chạp, không ai ngờ thuở còn đi học, hắn thuộc loại tinh ma quậy phá thầy chạy. Tôi nhớ lúc cùng ở chung nhà trọ, có thằng tự cho rằng mình là người quý tướng vì có bốn cái nốt ruồi đối xứng trên thân thể. Cuối tuần, thằng “bốn nốt ruồi đối xứng” thường uống thuốc nhuận trường trước khi ngủ trưa. Anh ta nói đó là phương pháp thanh tẩy những chất độc trong người. Chờ thằng “bốn nốt ruồi đối xứng” ngủ mê, Lương Mập lấy trái chuối chín nghiền nát cho vào đít quần anh ta, đồng thời lấy cái que dính phân người quẹt lên mũi anh ta. Xong, Lương Mập cố ý gây những tiếng động lớn làm thằng “bốn nốt ruồi đối xứng” thức giấc. Mới đầu, anh ta nằm im, đánh hơi và khịt mũi vài cái. Lúc sau, anh ta nghiêng người sờ tay xuống đít. Lại nằm im. Có lẽ anh ta nghĩ trong cơn ngủ mê đã ỉa trong quần. Ðám bạn ở nhà trọ làm bộ không chú ý, nhưng thật ra đang nín cười theo dõi từng cử chỉ của thằng “bốn nốt ruồi đối xứng”. Khi anh ta ngồi dậy, tay che hờ sau đít, nhè nhẹ đi thẳng vào buồng tắm thì đám bạn phá ra cười nôn cả ruột. Thằng “bốn nốt ruồi đối xứng” tắm rửa xong, trở ra chỉ tay vao mặt Lương Mập: “Ðụ má mày!” Anh ta biết chắc, ngoài Lương Mập không ai chơi cái trò quái dị như thế. Lương mập trả lời tỉnh bơ: “Mày là dương vật của ba tao.” Thằng “bốn nốt ruồi đối xứng” ngớ ra chưa hiểu. Lương Mập liền giải thích theo kiểu tam đoạn luận học ở nhà trường: “Chỉ có dương vật của ba tao chơi được má tao. Mày chơi má tao. Vậy mày làm dương vật của ba tao. Nhưng bây giờ ổng già hết xí quách rồi. Ổng chỉ dùng mày để đái thôi.” Ðám bạn lại cười rộ lên. Hôm đó, nếu không có sự can thiệp của đám bạn, chắc đã xảy ra đánh lộn.
Ngày xưa, tôi vẫn thầm phục Lương Mập. Hắn học không giỏi, thi rớt trung học đệ nhất cấp, nhưng cái đầu hắn có thể nghĩ ra những mưu mô xảo trí lạ lùng. Hắn biết Bảy Cự khoái bà Hân. Nhiều lần ông theo rà rê tán tỉnh, nhưng bà Hân chỉ “hứ” một tiếng rồi phủi đít đi luôn. Hắn nói với Bảy Cự: “Nếu tôi dàn cảnh cho chú Bảy ngủ với bà Hân, chú chịu cho tôi cái gì?” Bảy Cự nói: “Gì cũng được.” Hắn nói: “Tôi muốn con Lan.” Bảy Cự cười hì hì: “Nếu tao được mẹ nó thì nó là con tao. Tao gã nó cho mày.” Phần đông dân xóm tôi đều nghèo. Bà Hân tương đối có chút của, chuyên sống bằng nghề chơi hụi và cho vay lấy lãi. Bà góa chồng, ở với đứa con gái 16 tuổi, tên Lan. Ðàn ông không thể bén mảng vào nhà bà. Bảy Cự và Lương Mập, một già một trẻ không sao tiếp cận được mẹ con bà.
Lương Mập kiếm một cái tĩn nước mắm người ta vất bỏ ngoài rào giậu. Hắn rang tiêu hột, giả nhuyễn cho vào tĩn, trong đó có nhốt một con cóc. Hắn gài miệng tĩn bằng nan tre, con cóc không thoát được ra ngoài. Nửa đêm, hắn lén đem cái tĩn đặt sát vách nhà, nơi có phòng ngủ bà Hân. Mùi tiêu cay nồng khiến con cóc sặc lên từng hồi những tiếng “ục, ục, ...”, giống như người bụm miệng cố nén cơn ho. Nghe cái âm thanh quỷ quái ấy, mẹ con bà Hân nghi có kẻ trộm rình nhà, đốt đèn ngồi canh giữ. Ðêm thứ hai, Lương Mập cũng làm như thế. Và lần này, mẹ con bà Hân sợ hãi, tông cửa chạy ra ngoài, la làng inh ỏi giữa đêm khuya. Lương Mập ôm cái tĩn lủi vào vườn chuối biến mất, trước khi người láng giềng kéo đến. Trong số đó có Bảy Cự là người xông xáo nhất. Ông đi kiểm soát chung quanh nhà và lục soát ngoài vườn, nhưng không thấy gì cả. Ông chép miệng ra chiều thương hại: “Nhà không có đàn ông, chó gà lờn mặt. Lỡ khi tối lửa tắt đèn, có chuyện gì bất trắc... làm sao?” Bà Hân từ lâu vốn không ưa Bảy Cự vì cái nết hay dê, nhưng đêm nay ông tỏ ra nhiệt tình lo lắng cho bà, bà nhìn ông thầm biết ơn. Ðêm sau nữa, tiếng “ục, ục...” lại tái diễn. Bà la làng, người láng giềng lại kéo đến, cũng không phát hiện được điều gì khả nghi. Vài lần như vậy, họ nghĩ bà Hân đùa dai, muốn phá giấc ngủ của họ. Những đêm sau này, dù mẹ con bà có la bể cổ họng cũng không ai thèm đến, ngoài Bảy Cự. Hai mẹ con bà Hân sợ đến mất ăn mất ngủ. Cuối cùng bà đành xuống nước nhờ Bảy Cự mắc võng ngủ ngoài hành lang nhà bà, canh giùm kẻ trộm. Bà cũng xin lỗi, không thể để ông ngủ trong nhà vì hoàn cảnh mẹ góa con côi. Bảy Cự sốt sắng nhận lời. Ông nằm ngủ với một chiếc dao mác bén ngót dựng kề bên. Ðêm đó, bà Hân vừa nghe tiếng “ục, ục...”, tiếp theo có tiếng la “bắt lấy nó” của Bảy Cự. Bà vội đốt đèn lên, mở cửa thấy Bảy Cự trên tay còn cầm dao mác, mặt có vẻ biến sắc. Ông nói: “Tôi nhìn thấy một bóng đen to lớn ngồi thù lù bên vách nhà. Tôi vác dao xông tới. Bóng đen vụt thoát đi như bay, chân không chạm đất.” Bà Hân lo lắng: “Như vậy là sao?” Bảy Cự nhỏ giọng ra điều quan trọng: “Trong vuông đất của bà có ai chết oan ức, hoặc chết bất đắc kỳ tử gì không?” Bà Hân cũng nhỏ giọng: “Không. Nhưng sao ông hỏi kỳ cục vậy?” Bảy Cự đứng suy nghĩ hồi lâu rồi gật đầu nhè nhẹ: “Hiện tượng vừa rồi làm tôi nhớ lời ông bà mình thường nói, ma quỷ khi di chuyển chân không chạm đất.” Ông vừa dứt lời, cô Lan sợ hải xô đến ôm chầm lấy mẹ. Bảy Cự trấn an: “Cháu đừng sợ. Ma quỷ thuộc về cõi âm, có bóng không hình. Nó chẳng làm hại được con người trên dương thế.” Bà Hân vừa ôm đứa con gái của mình, vừa ngó dáo dác chung quanh: “Ông nói làm tôi rợn cả da gà.”
Sáng ra, Bảy Cự bàn với bà Hân nên làm một cái lễ cúng vái đất đai nhơn trạch để xua đi những hồn ma bóng quế. Bà Hân ra chợ mua hoa quả, nhang đèn, ruợu thịt. Tất cả lễ vật được bày trên cái bàn, đặt ngoài sân. Lác đác vài người láng giềng được mời. Bảy Cự bảo bà Hân làm chủ trì khấn vái. Bà nói: “Tôi đâu biết vái làm sao. Ông đại diện đi.” Bảy Cự nói: “Bà chỉ biết cầu Trời khấn Phật cho tiền trong túi thiên hạ chạy vào túi bà. Gặp ma quỷ, bà đâm ra ngờ nghệch. Thôi, bà cho biết tên họ cúng cơm của bà để tôi giúp.” Bà Hân nói: “Lê Ngọc Hân.” Bảy Cự trợn mắt: “Ðây là tên công chúa triều Lê, vợ của đại hoàng đế Nguyễn Huệ. Sao bà dám mạo danh?” Bà Hân lúng túng: “Công chúa nào, tôi đâu biết. Tôi chỉ có một tên này từ hồi cha sanh mẹ đẻ.” Bảy Cự nói: “Lớn mật dám ăn gan rồng, nhưng không biết thì không có tội.” Rồi ông lên đèn đốt nhang khấn vái: “Tôi tên Huỳnh Ðình Cự đại diện cho góa phụ Lê Ngọc Hân. Mời những chiến sĩ trận vong, những cô hồn các đảng, những người chết bụi chết bờ, hồn oan vất vưởng không nơi nương tựa. Xin chư vị về đây chứng giám lòng thành của góa phụ Lê Ngọc Hân, và đừng quấy phá bà nữa. Sau khi nhậm lễ, cầu mong chư vị phù hộ cho gia đạo của bà trong ngoài được bình yên vô sự.” Khấn xong, ông xá ba xá. Thời gian chừng tàn nửa cây nhang, coi như những kẻ khuất mặt nhậm lễ xong, ruợu thịt đuợc bày ra cho người sống hưởng. Bảy Cự và những người láng giềng tận tình ăn nhậu. Bà Hân và cô Lan chỉ ăn qua loa chiếu lệ. Bảy Cự đề nghị gọi thêm Lương Mập. Bà Hân nói: “Tôi không muốn thấy thằng ôn dịch đó vác mặt tới nhà tôi!”
Ðêm đó, Bảy Cự không ngủ ngoài hành lang. Và cái âm thanh “ục, ục...” kỳ dị lại nổi lên. Tiếng đồn về con ma chân đi không chạm đất trong khu vườn nhà bà Hân, do những người hàng xóm được mời ăn lễ cúng cô hồn mách lẻo, được truyền đi nhanh chóng. Ban đêm, kẻ yếu bóng vía không dám đi trên con đường ngang qua khu vườn đó. Tinh thần mẹ con bà Hân sa sút trầm trọng. Bà năn nỉ những đàn ông trai tráng đến ngủ hành lang nhà bà vào ban đêm. Nhưng người ta chỉ giúp được vài đêm. Ai cũng có gia đình vợ con, đâu thể vắng nhà hoài được. Rốt cuộc, chỉ còn Bảy Cự là bền bỉ nhất. Bởi ông là đàn ông góa vợ, đêm ở nhà cũng chỉ nằm chèo queo một mình. Thôi thì giúp bà Hân cho có tình có nghĩa láng giềng. Những đêm mưa gió, bà mở cửa gọi ông vào trong cho khỏi ướt. Có khi ban ngày, người ta còn thấy ông ngồi ăn cơm với mẹ con bà Hân như một người thân thuộc. Rồi ông ăn dằm nằm dề ở đó luôn, khỏi cần nằm ngoài hành lang nữa. Có đàn ông trong nhà, khí dương thịnh nên ma quỷ không dám phá. Ấy là lời bàn tán của người trong vùng. Người ta nói, đàn ông là lửa, đàn bà là rơm, thằng quỷ sứ đến thổi cho cháy. Lửa cháy âm thầm một thời gian, Bảy Cự và Bà Hân tuyên bố chính thức kết hôn thành chồng vợ. Hai người làm một bữa tiệc, mời bà con láng giềng đến chứng kiến đàng hoàng.
Bảy Cự và Lương Mập trở thành đôi bạn vong niên. Lương Mập hỏi: “Chuyện chú Bảy xong rồi. Còn chuyện tôi với con Lan, chú tính sao?” Bảy Cự nói: “Mày đến nhà tao chơi. Có dịp gần gũi con Lan, mày mặc sức trổ tài o nó. Nhưng tao nói trước, nếu chinh phục được nó, mày phải cưới làm vợ luôn như tao ăn ở với má nó vậy. Ðừng giở thói chơi hoa cho biết mùi hoa, tao không chịu.” Ðã nhiều lần Lương Mập theo ve vãn cô Lan. Lần nào cũng bị cô cự tuyệt. Dù Bảy Cự tạo điều kiện thuận lợi cho hắn, nhưng chuyện tình cảm, ông không thể nào bắt ép cô được. Hắn nghĩ, lời nói không làm cô xiêu lòng, phải dùng bùa ngải làm biện pháp cuối cùng.
Lương Mập lên vùng Chắc Cà Ðao trên biên giới, tìm đến nhà một lão thầy bùa nổi tiếng người Miên. Hắn tỏ rõ hết sự tình thầm kín của mình, mong lão giúp đỡ. Lão thầy bùa nói: “Cậu muốn chuộc bùa yêu à? Không có bùa gì làm biến chuyển được lòng dạ con người. Ðừng tin lời đồn nhảm. Tôi sẽ cho cậu một thứ bùa khác, rồi tùy theo sự khéo léo của cậu mà mọi sự được hanh thông.” Lương Mập mừng, cám ơn rối rít. Lão lại hỏi: “Cô gái ấy đi đái trong cầu tiêu hay ngồi chồm hổm sau hè?” Lương Mập nói: “Nhà không có cầu tiêu. Nó ra sau hè, ngồi đái sát bờ rào.” Lão cười: “Vậy thì dễ dàng cho cậu rồi.” Lão bảo Lương Mập đem đến một con ếch để lão làm bùa. Hắn ngồi theo dõi cách làm của lão. Ðầu tiên, lão đốt con ếch cháy thành than, tán nhuyễn làm thành một thứ bột ếch. Kế tiếp, lão dùng phẩm đỏ vẽ bùa ngoằn ngoèo lên một tấm giấy màu vàng, rồi đốt lá bùa trộn chung vào bột ếch. Lọ bột ếch được đặt lên bàn thờ có trướng rũ hai bên. Trên bàn thờ, những bức tượng thần uy nghiêm mặt đỏ, mặt xanh, mặt trắng. Nhìn vào đó, người ta có thể đặt niềm tin vào sự linh thiêng của thần quyền. Lão thầy bùa đốt nhang đèn, thành kính làm lễ và đọc thần chú liên hồi. Không ai có thể hiểu được nghĩa của thần chú là gì, bởi đó là ngôn ngữ của thần linh. Lão trao lọ bùa ếch cho Lương Mập, dặn phải làm y theo lời của lão.
Lương Mập hí hửng mang lọ bùa ếch về gặp Bảy Cự. Hắn nói: “Có bùa rồi. Lần này nhất định thành công.” Bảy Cự hỏi cách sử dụng. Hắn giải thích theo lời chỉ dẫn của lão thầy bùa Miên: “Khi con Lan ngồi đái, tia nước đái sẽ xói một cái lỗ dưới mặt đất. Bỏ bột bùa ếch vào ngay cái lỗ ấy. Sau vài ngày sẽ thấy kết quả.” Bảy Cự nóng lòng: “Kết quả thế nào, mày nói rõ hơn coi? Nó là đứa con gái ngây thơ hiền lành, mày đừng dùng bùa ngải hại đời nó tội nghiệp.” Lương Mập cười: “Chú Bảy yên tâm. Tôi thương nó, đâu nỡ làm hại nó. Tôi chỉ dùng mẹo để nó phải thương lại tôi. Khi con Lan lậm bùa rồi, nó ngồi đâu phải khép cặp đùi lại. Nếu không thì cửa mình sẽ phát ra âm thanh “ộp, ộp...” như tiếng ếch kêu.” Bảy Cự cười ngất: “Như vậy rồi nó thương mày à?” Lương Mập nói: “Chưa thương đâu. Phải qua một giai đoạn nữa. Tôi sẽ hốt cho nó một thang thuốc vô thưởng vô phạt uống vào chẳng có tác dụng gì cả, đồng thời tôi ngưng bỏ bùa. Tiếng ếch kêu cũng chấm dứt. Nó tưởng đó là hiệu nghiệm của thuốc. Nó sẽ coi tôi là ân nhân, và từ đó phát sinh tình cảm.” Bảy Cự gật đầu: “Ðược. Mẹo vặt mà nên nghĩa vợ chồng.” Lương Mập nói: “Nhưng chú phải giúp tôi theo dõi, chừng nào cửa mình con Lan có tiếng ếch kêu, chú cho tôi hay liền.”
Lương Mập thấp thỏm chờ Bảy Cự báo “tin vui”. Năm bữa, mười bữa, rồi nửa tháng chẳng thấy gì. Cô Lan vẫn nằm ngồi đi đứng bình thường. Bùa ếch không linh nghiệm gì sao? Hắn đã đặt tiền cúng tổ với giá tương đương gần nửa chỉ vàng để thỉnh một nắm tro tàn vô dụng. Hắn lại lần mò lên Chắc Cà Ðao lần nữa. Sau khi hắn trình bày sự việc, lão thầy bùa Miên nói: “Cái âm đức của nhà đó còn thịnh lắm. Phải dùng thứ bùa mạnh và độc hơn mới có kết quả.” Lão lại đứng trước bàn thờ, đọc thần chú tươm bùa vào một mảnh xương nhọn. Lúc trao cho Lương Mập, lão nói: “Ðây là cái xương kỳ đuôi của con cá đuối đã tươm bùa. Cậu đem về cắm ngay cái lỗ nước đái xói dưới đất. Ba ngày sau, cửa mình cô sẽ sưng lên rất đau nhức lúc đi tiểu tiện. Cậu cũng sẽ cho thuốc. Mỗi lần cô uống thuốc, cậu nhớm cái xương cá đuối lên một chút, cô sẽ bớt đau một chút. Rút hết cái xương ra khỏi lỗ, cô sẽ hết đau hoàn toàn.” Lương Mập thắc mắc: “Sao bùa nào của thầy cũng nhằm vào bộ phận kín của phụ nữ?” Lão nghiêm nét mặt: “Tôi còn cả trăm thứ bùa khác. Nhưng mục đích tối hậu của cậu chỉ nhằm vào cái đó, nên tôi cũng nhằm vào chỗ đó mà cho bùa.” Lương Mập phân trần: “Tôi thương cô ta thiệt tình. Chứ đâu phải vì cái đó.” Lão lắc đầu: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?” Lương Mập cứng họng. Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi.
Cái xương kỳ đuôi cá đuối đã cắm sâu vào lỗ nuớc đái dưới mặt đất. Cô Lan vẫn không tỏ vẻ gì đau đớn. Hàng ngày cô vẫn đạp xe đi học, mặt tươi như hoa. Cơ hội làm người ân của cô, theo thời gian mòn dần. Lương Mập biết mình bị lão thầy bùa Miên lừa. Hắn muốn được đâm cái xương kỳ đuôi cá đuối vào chính trái tim của lão.
Năm mười tám tuổi, cô Lan đi lấy chồng xa. Lương Mập héo cả ruột gan. Trong chương trình văn nghệ giúp vui hôm đám cưới, hắn gân cổ hát bài Tà Áo Cưới nghe buồn não nuột, Hôm nay sao áo bay nhiều thế. Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe màu. Ô hay! Tiếng pháo đâu nhiều quá. Xác đỏ làm xao xuyến đường hoa... Tôi cũng không ngờ một kẻ hay đùa như Lương Mập lại thất tình. Hắn tâm sự: “Mỗi lần ngang qua khu vườn nhà bà Hân, nhìn vào không thấy bóng dáng con Lan, cây lá trong vườn cũng không tươi như xưa nữa.” Chuyện cũ se lòng, Lương Mập đi vào quân đội.

Kể từ ngày đào kênh thủy lợi, mười chín năm sau tôi trở lại nơi này. Ba tôi lặng lẽ vào cõi hư vô. Lương Mập không còn nữa. Bảy Cự cũng đi về với đất. Bà Hân được vợ chồng cô Lan bảo lãnh qua Úc từ nhiều năm trước, chắc đã già lắm rồi. Mười chín năm vật đổi sao dời. Căn nhà của bà, hiện tại do một cán bộ làm chủ. Con đường chạy ngang khu vườn hồi xưa, nay trở thành con hẻm nhỏ. Khu vườn hoàn toàn mất dấu. Nhà cửa mọc san sát nhiều hơn. Ðất đai dường thu hẹp lại. Dân cư chen chúc sống gần nhau mà lòng người ly tán.
Kênh Trảng Gùi cắt ngang đường vào Cầy Niêu. Nơi tôi đã từng đổ mồ hôi trong những ngày gian khổ. Bây giờ, chỗ đó thành bãi đổ rác bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng vo ve. Lòng kênh mọc đầy cỏ dại. Dòng nước ứ nghẹn vì rác rến và xác súc vật ùn tắc nhiều nơi. Con đường nay đã tráng nhựa phẳng phiu. Xe cộ ngược xuôi vùn vụt. Những xe gắn máy chở đôi chở ba, lạng lách nguy hiểm vô cùng. Luật lệ giao thông ít được áp dụng ở chốn này. Và rồi, một đêm tai nạn xảy ra. Chiếc xe hơi chở vật liệu xây dựng từ ngoài chạy vào Cầy Niêu, pha đèn sáng quắc. Phía trong, một chiếc xe gắn máy chạy ra, ngược chiều xe hơi. Tới chỗ kênh đào, hai bên va chạm. Gã thanh niên đi xe gắn máy bất tỉnh, nằm sải tay trên đường. Chiếc xe gắn máy cũng móp mép nằm một nơi. Sau khi công an lập biên bản, hiện trường được thu dọn nhanh chóng. Người ta cấp tốc đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu. Lúc tỉnh dậy, gã hỏi: “Bạn tôi bị nặng hay nhẹ?” Người ta nói chỉ thấy một mình gã thôi. Gã bảo: “Còn một người nữa, ngồi sau lưng tôi.” Lúc này người ta mới biết xe gã chở đôi. Họ quay lại hiện trường tìm kiếm, và phát giác ra một xác chết nằm dưới lòng kênh, ngay miệng ống cống. Nhờ rác rến làm vật cản, cái xác không trôi theo dòng nước.
Tai nạn giao thông làm chết người là chuyện bình thường ở đây. Không phải tin giật gân, người ta quên lãng rất nhanh. Thế nhưng nửa tháng sau, có kẻ khơi lại và quả quyết rằng trong một đêm trên đường vào Cầy Niêu, đã nhìn thấy một bóng đen ngồi ủ rũ ngay chỗ xảy ra tai nạn. Không ai có thể kiểm chứng thực hư, nhưng người ta tin rằng kẻ chết bất đắc kỳ tử thì linh hồn khó đi siêu thoát, và cái bóng đen ấy chính là hồn ma của kẻ chết dưới lòng kênh Trảng Gùi. Sau đó vài ngày, tự dưng có mụ đàn bà đem nhang đèn hoa quả đến cúng vái, lập một cái miễu nhỏ bên lề đường ngay trên ống cống. Thấy chuyện lạ, người ta tò mò hỏi han tìm hiểu. Mụ cho biết, vì quá túng quẩn không còn cách gì xoay trở, mụ âm thầm cầu xin vong linh người chết phù hộ cho mụ trúng số độc đắc. Quả nhiên lời cầu xin được đáp ứng. Mụ trả hết nợ nần, mua xe gắn máy, sắm sửa đồ đạc trong nhà, truyền hình máy hát đầy đủ. Gia đình trở nên sung túc, đời sống thoải mái. Ðể nhớ ơn người chết, mụ lập miễu thờ. Tiếng đồn linh thiêng từ đó vang xa. Cái miễu, ngày đêm khói nhang nghi ngút. Người ta kéo đến cầu xin trúng độc đắc, xin cho số đề, xin mua may bán đắt. Kể cả những bệnh nan y cũng cầu xin tai qua nạn khỏi.
Tôi về, một hôm tình cờ gặp Út Hoa, em gái Lương Mập. Người mà vào thời tuổi trẻ, Lương Mập muốn làm mai mối cho tôi. Nhưng Út Hoa chê tôi lừng khừng gàn dở, ăn nói vô duyên và nhất là thiếu tác phong của một thanh niên chững chạc đàng hoàng. Ðiều này bắt nguồn từ thái độ tôi coi thường Út Hoa. Bởi trong mắt tôi, Út Hoa chỉ là một con bé vụng dại chưa biết gì. Khi nói chuyện với Út Hoa, tôi vẫn xưng hô “mày tao” một cách tự nhiên như với Lương Mập. Út Hoa cự nự tôi về cách xưng hô này. Tôi nói: “Cái miệng mày nhóc nhách ăn vặt cả ngày mà muốn làm người lớn hả? Còn lâu!” Vậy mà chỉ hai năm sau Út Hoa lấy chồng. Cô lớn hồi nào tôi không hay. Chồng cô đẹp trai, nhưng không phải người địa phương. Có lẽ, cô thấy thanh niên vùng này chẳng ai xứng đáng làm chồng của cô. Cuộc tình Út Hoa và người chồng đẹp trai kéo dài được ba năm thì tan vỡ. Từ ngày Út Hoa lấy chồng, tôi không còn xưng hô “mày tao” với cô. Cô cho biết cô chủ động trong quyết định chia tay tình chồng vợ. Tôi gạn hỏi lý do. Cô đáp gọn: “Vũ phu.” Tôi nói: “Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài. Chồng em không thuộc loại củi tre.” Rồi Út Hoa lại lấy chồng lần nữa, lúc ấy tôi không có mặt ở quê nhà. Nghe nói chồng cô là một thương gia giàu có, và cũng đã trải qua một đời vợ.
Gặp lại Út Hoa lần này, tôi thấy cô vẫn sống một mình. Cô mời tôi vào nhà. Mấy đứa nhỏ đi học chưa về. Nhà vắng hoe lạnh lẽo. Trên vách treo một bức hình cô chắp tay, khuôn mặt đắm đuối ngước nhìn lên cao như đang cầu nguyện điều gì. Ánh nắng chiếu nghiêng từ một phía nửa tối nửa sáng, nổi bật lên những đường nét hình người sắc sảo. Một bức hình đầy tính nghệ thuật, diễn tả nỗi cô đơn khao khát của một người đàn bà xấp xỉ tuổi 45.
Thấy tôi ngắm nghía bức hình, Út Hoa nói: “Hình đó em chụp lúc vừa chia tay với người chồng sau.”
Tôi quay lại: “Nếu hồi xưa em chịu làm vợ anh thì giờ đây đâu phải góa bụa cô đơn.”
Cô cười: “Lấy anh để về làm thân con ở, cơm bưng nước rót cho anh hả?”
“Cái thời chồng chúa vợ tôi qua rồi.” Tôi nói thêm, ”Ðàn ông đã xuống giá. Em nên nhân cơ hội này sắm một ông chồng để ban ngày sai vặt, ban đêm xoa bóp cho mình.”
“Em đang nhắm vào anh.” Út Hoa nói đùa.
Tôi cũng làm bộ thở dài: “Anh như ván đóng thuyền, như “hoa” có chủ. Có lẽ em nên nhắm vào những người mà Bác Hồ gọi là đầy tớ của nhân dân. Họ vừa có tiền vừa có thế.”
Cô Út cười mỉa: “Bây giờ đổi khác rồi, anh ơi. Thời nay người ta hay nói ngược. Họ là cha của thiên hạ. Nhân dân phải sợ đầy tớ.”
“Như vậy em càng phải nên lấy họ. Có chút hơi hám cách mạng, đời cũng đỡ khổ.”
“Nếu em làm theo lời anh, chắc anh Lương sẽ đội mồ sống dậy.”
“Tại sao?”
“Họ là nguyên nhân cái chết của anh Lương.”
Út Hoa kể, người ta bắt Lương Mập đi cải tạo. Hai tháng sau, họ thông báo cho gia đình mang xác Lương Mập về chôn. Cô nghi anh mình bị ám hại.
Tôi nói: “Em không hiểu vấn đề nên đâm ra nghi hoặc. Chẳng có ai ám hại đâu. Lương Mập sức khỏe suy sụp, chết vì không chịu nổi một thứ luật lệ vô cùng khắc nghiệt trong trại cải tạo mà thôi. Ở đó, mọi thứ anh hùng cá nhân đều bị đè bẹp, nhưng anh của em vốn tính ngông nghênh không chịu khuất phục.”
”Không khuất phục thì phải chết à?”
“Dĩ nhiên. Người ta sẽ dùng biện pháp kỷ luật.”
“Thế sao anh vẫn còn mạng trở về?”
“Anh hèn.”
Nói xong, tôi đến bàn thờ Lương Mập đốt cây nhang cắm vào lư hương. Di ảnh Lương Mập nhìn vào tôi như nhắc nhớ kỷ niệm một thời xa cũ.
Út Hoa nói: “Từ ngày vợ anh Lương đi lấy chồng khác, em đem bàn thờ của ảnh về đây. Ảnh mất mà còn linh lắm. Em nằm mơ thấy ảnh trở về cười nói tự nhiên. Sáng ra em làm mâm cơm cúng ảnh. Có con bướm đen cứ bay quanh quẩn mãi bên bàn thờ.”
“Con bướm đen thì có ý nghĩa gì đâu?”
“Sao không? Hồn của ảnh nhập vào con bướm về thăm gia đình.”
Tôi kêu lên: “Út Hoa ơi, em nói như là chuyện Liêu Trai Chí Dị.”
Cô cười nửa miệng: “Em biết ngay rằng anh sẽ nói em tin dị đoan. Anh có nghe người ta đồn về chuyện hiển linh của hồn ma Trảng Gùi không?”
“Chẳng những nghe mà còn đến tận nơi quan sát nữa.”
“Anh thấy sao?”
“Lời đồn nhảm và có quá nhiều người mê tín.”
“Không lẽ vô cớ mà có người bỏ tiền ra lập miễu thờ? Bản thân em cũng biết vài người cầu xin và được đáp ứng.”
“Em chỉ biết vài người ngẫu nhiên mà được. Còn hàng trăm người khác không được, họ đều im lặng. Em biết không?”
“Ðâu phải cứ mỗi lần cầu xin là được đáp ứng? Hơn nữa, không thể lấy cái lý của người trần gian mà giải thích về thế giới siêu hình. Em kể một câu chuyện có tính cách ngụ ngôn, tùy anh suy nghĩ. Chuyện rằng, con rùa có dịp lên khỏi mặt nước, dạo chơi trên đất liền. Lúc trở lại, rùa kể với cá về những điều điều mắt thấy trên đất liền. Cá không tin có một thế giới nào lạ lùng như thế, ngoài thế giới quen thuộc nó đang sống.”
“Ý em muốn ám chỉ anh là con cá thiển cận?”
“Không dám.”
Vô tình chúng tôi rơi vào một vấn đề sắp gây tranh cải. Cả hai đều không muốn thế. Tôi ngồi im lặng. Út Hoa chống tay lên càm ngó ta sân, con mắt lơ đãng như đang nhìn về một cõi xa xăm nào đó. Thời gian để lại trên khuôn mặt kiều diễm của người đàn bà những nếp gấp ở cuối đuôi mày, những phiền muộn, nhất là những ý nghĩ viển vông không có thật ở đời này.
Trầm tư một hồi lâu, cô hỏi: “Giận em hả?”
Tôi nói: “Anh đâu phải trẻ con.”
“Sao không nói gì?”
“Chẳng biết có nên xía vào đời tư của em hay không? Nhưng anh thấy tình cảnh em cô đơn, anh nghĩ em nên làm lại cuộc đời.”
Cô lắc đầu: “Em sợ đàn ông lắm rồi. Hai lần lấy chồng đều chẳng ra chi. Người thứ nhất thì thô lỗ cộc cằn. Người thứ hai thì lưu manh lừa đảo. Cả hai đều có một đặc tính chung là tàn nhẫn. Ði gần hết cuộc đời, em vẫn không biết hạnh phúc là gì, cũng chẳng hiểu thế nào là tình yêu.”
Lời Út Hoa như than van, oán trách. Có thật không, một thứ hạnh phúc mà ai cũng mong tìm? Còn một thứ tình cảm lạ lùng khác nữa, gọi là tình yêu. Nó là gì mà có thể biến một kẻ bỉ ổi nhất của trần gian thành người lương thiện? Ðồng thời, cũng có thể dìm một kẻ cao thượng xuống tận đáy của bùn nhơ đê tiện? Tôi cũng đâu hơn gì Út Hoa. Không biết hạnh phúc là gì, cũng chẳng hiểu thế nào là tình yêu.
Tôi nói: “Nếu tin rằng có một đấng Tạo Hoá thì không phải vô cớ mà con người có mặt ở trần gian. Em hãy nhìn chung quanh, có ai là hạnh phúc hoàn toàn? Phải chăng ý của đấng thiêng liêng tạo ra con người bất toàn để ít nhiều đều phải trải qua sự thống khổ và từ đó học cái bài học làm người? Nghĩ được như vậy, em sẽ thấy thoải mái hơn.”
“Vậy đau khổ là mục đích của cuộc đời?.”
“Nói đúng hơn, là mục đích của Tạo Hoá. Anh kể một chuyện có thật chứ không phải ngụ ngôn như em vừa kể. Có người hỏi Ðức Giáo Hoàng, bọn Cộng Sản khắc nghiệt đối xử tàn bạo với nhân loại, nếu có Chúa, sao Ngài không tiêu diệt chúng đi? Trả lời, Chúa dùng bàn tay của kẻ vô thần như một ngọn roi quất xuống những đứa con hư của Ngài.”
Út Hoa ngao ngán thở dài: “Có lẽ nào chúng ta đều là những đứa con hư?”

Tôi về quê không có gì vui, ghi lại mẩu chuyện nhỏ về kênh Trảng Gùi. Một mẩu chuyện bỏ dở nửa chừng. Người chết thì đã xong rồi. Người sống thì chưa có kết luận. Ðời người cũng nhạt nhẽo vô duyên như thế. Tôi tự hỏi, sao bây giờ người ở quê tôi lắm kẻ hướng tâm vào cõi siêu hình? Phải chăng, con người hiện tại đối xử với nhau quá tàn tệ nên không còn tin nhau nữa? Và thiêng liêng là chỗ dựa duy nhất cho những tâm hồn đau khổ có thể đặt niềm tin?

LÂM CHƯƠNG

No comments: